Cử tri đề nghị xử lý nghiêm vụ khủng bố ở Đắk Lắk

(PLO)- Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 5, quận 8 và quận 11, cử tri đã nêu ý kiến yêu cầu các cơ quan tư pháp phải xử lý nghiêm vụ khủng bố ở Đắk Lắk. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Cử tri đề nghị xử lý nghiêm vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Ngày 26-6, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 3 tiếp xúc cử tri quận 5, quận 8 và quận 11.

Tổ ĐBQH đơn vị số 3, gồm: Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao; Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM.

Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 3 tiếp xúc cử tri quận 5, quận 8 và quận 11. Ảnh: SONG MAI

Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 3 tiếp xúc cử tri quận 5, quận 8 và quận 11. Ảnh: SONG MAI

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Bình (ngụ phường 15, quận 11) lên án hành vi của những đối tượng khủng bố tại Đắk Lắk và đề nghị cơ quan tư pháp sớm điều tra, truy tố, xét xử một cách nghiêm minh vì hành vi làm mất an ninh quốc gia. Theo đó, cần nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu có chủ trương gây rối và xem xét giảm nhẹ cho những đối tượng là người dân tộc nghèo khó, thiếu hiểu biết, bị lôi kéo.

Cử tri Bình cho biết cách đây 10 năm khi xuống nhà người quen ở Thủ Đức, ông tình gặp được người dân tộc ở Tây Nguyên và biết một số người dân tộc còn khó khăn, thiếu hiểu biết. "Vì vậy, những nơi vùng sâu xa, cần những cán bộ địa phương thực hiểu biết, am hiểu pháp luật, phong tục tập quán địa phương để nắm bắt tâm tư người dân” - ông Bình nêu ý kiến.

Cử tri Nguyễn Văn Bình (ngụ phường 15, quận 11) nêu ý kiến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cử tri Nguyễn Văn Bình (ngụ phường 15, quận 11) nêu ý kiến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cử tri Trương Hồng Sơn (ngụ phường 16, quận 8) phản ánh tình trạng lừa đảo, trục lợi cá nhân từ không gian mạng đã được phản ánh, cơ quan chức năng cũng đưa ra các giải pháp như xóa sim rác, đăng ký tài khoản điện thoại, truy cứu trách nhiệm... nhưng lừa đảo ngày càng tinh vi, gây hại cho người dân. Cử tri Sơn đề nghị Bộ TT&TT và các cơ quan cần quyết liệt hơn nữa.

Trả lời cử tri, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết vấn đề lừa đảo trên mạng đã có Luật An ninh mạng điều chính và việc xử lý hành vi trong việc phạm tội trên không gian mạng đang được đẩy mạnh.

Chuyển đổi số càng cao thì xuất hiện loại tội phạm này cũng nhiều. Ông Trí cũng đưa ra nhiều giải pháp, như tiếp tục hoàn thiện, kịp thời bổ sung hệ thống pháp luật để đảm bảo quản lý chặt chẽ trên không gian mạng.

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thứ hai, phải tuyên truyền thông tin về phương thức thủ đoạn để người dân phòng ngừa và biết không làm những hành vi vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật.

“Như vụ án nổi lên bức xúc cho xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng lên mạng nói người khác, người khác bức xúc cũng nói lại rồi bị mời lên... Mình phải biết cái gì nên tham gia và không nên tham gia, không phải bức xúc làm rồi mới biết làm sai” - ông Trí nói.

Thứ ba là tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp, lĩnh vực, những lĩnh vực phức tạp dễ phát sinh tội phạm. Cuối cùng, tăng cường phát hiện để điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao để răn đe, giáo dục chung.

Khởi tố 84 bị can vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Như PLO đã đưa tin, ngày 23-6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 75 bị can về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

Công an cũng khởi tố bảy bị can về tội không tố giác tội phạm, một bị can về tội che giấu tội phạm, một bị can về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam bị can nêu trên đều được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm