Cửa nào cho nghệ sĩ xịn đến Việt Nam?

Nhu cầu thưởng thức những tác phẩm âm nhạc, tai nghe, mắt thấy những ngôi sao, nghệ sĩ quốc tế là nhu cầu rất lớn của người hâm mộ Việt Nam. Khi nghe tin nhóm nhạc Backstreet Boys đến TP.HCM và Hà Nội biểu diễn rồi sắp đến đây là Bob Dylan… rất nhiều khán giả mong chờ.

Khi chàng trai biến thành quý ông

Sau đêm diễn của nhóm nhạc Backstreet Boys (BSB) tại sân vận động Quân khu 7 tối 24-3 vừa qua, hầu hết người hâm mộ đều cùng suy nghĩ ước chi hơn 10 năm trước BSB sang Việt Nam.

Khán giả Thúy Hà (Tân Bình) sau khi bỏ ra 2 triệu đồng mua vé xem chương trình đã chia sẻ: “Nếu cách đây hơn 10 năm, BSB đến Việt Nam, với giá vé như vậy e rằng sự chen lấn còn kinh khủng hơn giờ nhiều. Nhưng những chàng trai của 10 năm trước khác bây giờ nhiều lắm chứ! Cũng cùng điệu nhảy nhưng một người ở tuổi mười tám, đôi mươi sẽ khác người ba mươi”.

Không chỉ khán giả Thúy Hà, những ai yêu thích BSB của hơn 10 năm trước đều mong muốn có một tấm vé để được tận mắt chứng kiến thần tượng của mình. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần nhìn những “chàng trai” trở thành người lớn, thế nhưng khán giả không khỏi tiêng tiếc khi không thấy những thay đổi lớn của các chàng trai.

Sau sự kiện BSB, ngày 10-4 tới đây sẽ là buổi trình diễn của danh ca Bob Dylan tại ĐH quốc tế RMIT. Khác với các ban nhạc trẻ, tình khúc trẻ, thời trang như BSB; cái tên Bob Dylan mang đến hơi hướng khác trong âm nhạc. Ở Bob Dylan, đó là hình ảnh của một chàng trai tóc xù xoăn tít với nhiệt huyết của tuổi trẻ bên cây guitar cất lên những ca khúc chống chiến tranh, ủng hộ phong trào nhân quyền thập niên 1960. Đó là những năm Bob Dylan trên dưới 20 tuổi. Và năm nay, khi đã qua tuổi 70, ông mới chọn đến Việt Nam.

Cửa nào cho nghệ sĩ xịn đến Việt Nam? ảnh 1

Khi những chàng trai trở thành quý ông thì điệu nhảy của tuổi trẻ cũng không còn phù hợp. Ảnh: QUỲNH TRANG

Việt Nam không phải là thị trường lớn

Thập niên 90 của thế kỷ XX có thể xem là thời điểm khởi nguồn cho các nghệ sĩ ngoại đến Việt Nam biểu diễn: Brian Adams, Lobo, John Denver, Patricia Kaas, Leo Sayer (1994); Boney M, Lê Minh (1995); Sting (1996); Michael Learns To Rock (1997), Air Supply, The Moffats (1999)... Nghệ sĩ ngoại đứt quãng đến năm 2007, trở lại đình đám với chương trình của ca sĩ Bi-Rain tại sân vận động Quân khu 7 và ban tổ chức đã phải… dẹp tiệm vì lỗ.

Tuy nhiên, sau thời điểm này, các tên tuổi khác có đến Việt Nam diễn hầu hết cũng thông qua các tổ chức giao lưu văn hóa, là khách tham gia một vài tiết mục trong các chương trình lớn hoặc họ là đại sứ thương hiệu cho các nhãn hàng.

Các nghệ sĩ không chọn đến Việt Nam bởi họ và nhà sản xuất của họ đánh giá Việt Nam không phải là thị trường lớn và cũng chưa là thị trường tiềm năng. Bởi các nghệ sĩ quốc tế sống vào lượng đĩa phát hành và Việt Nam hầu như rất hiếm phát hành chính thức, có hệ thống album của các nghệ sĩ. “Nghệ sĩ quốc tế không có thị trường tại Việt Nam, họ không thu lợi nhuận bán đĩa từ Việt Nam thì hiển nhiên họ sẽ không có nhu cầu quảng bá hình ảnh của họ tại Việt Nam. Vậy họ đến làm gì?” - nhạc sĩ Lê Quang băn khoăn.

Với ông Rod Quinton, Giám đốc điều hành Saigon Sound Systems, đơn vị mời Bob Dylan sang Việt Nam diễn, cho rằng lý do chính khi ông lựa chọn đưa Bob Dylan sang Việt Nam chính là mong muốn mang đến cho khán giả Việt Nam những buổi diễn ấn tượng và luôn cập nhật xu hướng mới nhất của thế giới. Còn phía Bob Dylan thì khẳng định danh ca này đến Việt Nam để hát cho người Việt Nam nghe.

Nhạc sĩ Lê Quang cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, muốn làm chương trình riêng của một nghệ sĩ quốc tế phải nghiên cứu thị trường kỹ. Ngay bản thân ông muốn mời nghệ sĩ quốc tế làm chương trình riêng để kinh doanh, ông vẫn chưa dám làm mà chọn phương án an toàn là thông qua các tổ chức giao lưu văn hóa. Thực tế ít ai dám mạo hiểm mời nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng đến Việt Nam diễn, bởi ngoài việc họ không chọn Việt Nam thì ngay cả phía nhà tổ chức Việt Nam cũng không dám gồng mình chịu lỗ.

Đừng nhầm lẫn tưởng niệm!

Những ngày qua, trên nhiều báo khi thông tin về chương trình Bob Dylan vào tối 10-4 luôn kèm theo thông tin phần biểu diễn để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong chương trình Bob Dylan - Live in Vietnam. Trong thông tin gửi đến báo chí cũng là phần biểu diễn các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ mở màn cho chương trình Bob Dylan - Live in Vietnam (chương trình gồm 15 ca khúc được diễn trong 90 phút), trước giờ diễn của Bob.

Thật sự tưởng niệm người đã mất là việc rất nên làm, tuy nhiên việc gán ghép song song hai tên tuổi rất dễ làm người xem nhầm lẫn không hiểu đây là chương trình mà nhân vật chính là Trịnh hay Bob.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM tại buổi họp báo, bà Trịnh Vĩnh Trinh, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho rằng chương trình chính là Bob Dylan nhưng có một chương trình chào đón Bob Dylan tuyệt vời chính là chương trình Trịnh Công Sơn trước đó. “Do cơ duyên mà anh Sơn và Bob Dylan có nhiều điểm giống nhau. Hai người cùng lứa tuổi, cùng sống trong chiến tranh nên cùng viết những ca khúc phản chiến hay” - bà Trinh nói.

Còn ban tổ chức thì cho rằng cách đây 40 năm, sau khi từ Việt Nam trở về, nữ ca sĩ người Mỹ Joan Baez đã được đài NBC phỏng vấn. Khi được hỏi về người thú vị ở Việt Nam, nữ ca sĩ này đã nói: “Trịnh Công Sơn, ông ấy là Bob Dylan của Việt Nam”. Đó là lý do chương trình của Bob nhưng có Trịnh.

CÁT MINH

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm