Ngày 15-7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tiếp tục xét xử vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép... liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.
Phần lớn thời gian tranh luận buổi sáng diễn ra giữa bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), luật sư bào chữa và đại diện VKS quân sự.
Trước đó, ông Thế Anh bị đề nghị tù chung thân về tội nhận hối lộ và 1-2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt đề nghị là tù chung thân.
VKS cáo buộc cựu đại tá biên phòng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông qua em họ nhiều lần nhận tiền từ Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) với tổng số 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng, qua đó “bảo kê” cho đường dây buôn xăng lậu của “ông trùm”.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: UYÊN TRANG |
Bị cáo liên tục kêu oan, luật sư đề nghị trả hồ sơ
Quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Thế Anh nhiều lần phủ nhận tội danh, khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. Cựu đại tá còn nói “bị ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm", thậm chí “dám lấy tính mạng ra để khẳng định”.
Tự bào chữa trước tòa, cựu chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tiếp tục phản đối cáo buộc của VKS, cho rằng cơ quan điều tra có nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo lời bị cáo, ngày 11-5-2021, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng thông tin về việc nhận bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án từ cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai, đến ngày 18-5-2021 thì ra quyết định khởi tố bị can. Vậy chỉ trong một tuần, vụ án này đã được điều tra như thế nào, có đảm bảo khách quan, các tài liệu, chứng cứ để buộc tội ra sao…?
Vẫn bị theo bị cáo, cơ quan tố tụng tiến hành các hoạt động khám xét nhưng không có mặt bị cáo, điều tra viên và kiểm sát viên vào trại tạm giam làm việc với bị cáo nhưng lại không có mặt luật sư… Cựu đại tá còn khẳng định không hề bàn bạc hay thỏa thuận gì với Phan Thanh Hữu về việc buôn lậu xăng.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh, luật sư cũng cho rằng căn cứ để VKS buộc tội đối với thân chủ của mình là “chưa thuyết phục”. Lý do, ngoài lời khai của “ông trùm” thì chưa có chứng cứ thuyết phục nào khác cho thấy bị cáo tác trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới buông lỏng, bao che cho hoạt động buôn lậu.
Thêm vào đó, giai đoạn từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2021, bị cáo lần lượt giữ các chức vụ Cục phó Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó chánh Văn phòng thuộc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia rồi Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Cả ba vị trí này đều không liên quan đến hoạt động buôn lậu xăng dầu mà chỉ “nắm bắt thông tin, giúp việc, đề xuất văn bản”.
Theo luật sự, vì không có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp liên quan tới hoạt động buôn lậu nên không thể cáo buộc bị cáo nhận hối lộ, bởi bị cáo không làm theo yêu cầu nào của “ông trùm”. Nếu có việc nhận tiền thì hành vi đó có thể là lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc nhận quà trái quy định, chứ không phải nhận hối lộ. Từ đó, luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung…
Đại diện VKS tranh luận với bị cáo và luật sư bào chữa. Ảnh: UYÊN TRANG |
“Ai có thể mớm cung, ép cung bị cáo?”
Đối đáp lại quan điểm của bị cáo Nguyễn Thế Anh và luật sư, đại diện VKS quân sự giữ nguyên quan điểm buộc tội, đồng thời khẳng định quá trình giải quyết vụ án được tiến hành khách quan, đúng quy định.
Theo kiểm sát viên, không có cán bộ tiến hành tố tụng nào có thể mớm cung, ép buộc những người thân thiết, những người đồng chí khai báo về nhau; không có cán bộ tố tụng nào muốn làm xấu đi hình ảnh của đồng chí, đồng đội của mình, nhất là trong vụ án này có những sĩ quan cao cấp trong quân đội.
"Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều tỉnh thành, trong và ngoài quân đội, người có liên quan là rất lớn. Trong bối cảnh tác động dịch COVID-19 hoành hành, lực lượng tham gia tố tụng lớn trong và ngoài quân đội, quá trình giải quyết có sự bàn bạc, bàn giao số lượng hồ sơ rất lớn. Hoạt động điều tra phải được tiến hành đầy đủ, toàn diện mới đi đến kết luận của vụ án. Vụ án có hơn 5.000 bút lục, do đó, các luật sư cần nghiên cứu kỹ", đại diện VKS nhấn mạnh.
Về vấn đề các luật sư cho rằng không có chứng cứ vật chất chứng minh cho hành vi nhận hối lộ của bị cáo, đại diện VKS cho hay, ngoài lời khai của các bị cáo, người liên quan... còn có nhiều tài liệu, chứng cứ khác, bao gồm dữ liệu viễn thông về lịch sử, địa điểm các cuộc gọi.
Đối với một số buổi hỏi cung không có sự tham gia của luật sư, đại diện VKS nói vì giai đoạn đó dịch COVID-19 dẫn tới khó khăn đi lại, tuy vậy cơ quan tố tụng vẫn thực hiện lấy lời khai đúng quy định. Giai đoạn sau khi dịch lắng xuống, các buổi hỏi cung đều có sự tham gia của luật sư, được ghi âm, ghi hình.
"Bị cáo Thế Anh trải qua thời gian dài trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đã có nhiều thành tích, thử hỏi ai có thể mớm cung, ép cung bị cáo? Trong trại giam, bị cáo xin giấy giám thị để viết tâm thư, những suy nghĩ trong lòng bị cáo như nào bị cáo tự viết ra, ai có thể viết thay cho bị cáo?", kiểm sát viên lập luận.