Cựu đại tá biên phòng liên tục nói ‘bị ép cung’, ‘dám lấy tính mạng khẳng định’

(PLO)- Bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 18 tỉ đồng từ “ông trùm” đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, cựu đại tá biên phòng liên tục nói “bị ép cung”, “dám lấy tính mạng khẳng định”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (14-7), Tòa án quân sự Quân khu 7 tiếp tục xét xử vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép... liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng. Đại diện VKS sẽ đề nghị mức án đối với 14 bị cáo.

Trước đó, trong phần cuối khi xét hỏi, đại diện VKS quân sự đề nghị HĐXX cho thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang).

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh tại tòa (hàng trên, bên phải). Ảnh: Thông tấn Quân sự

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh tại tòa (hàng trên, bên phải). Ảnh: Thông tấn Quân sự

Theo cáo buộc, nhận lời giúp đỡ Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) trong việc buôn lậu xăng, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã nhận hối lộ của “ông trùm” nhiều lần, với tổng cộng 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng.

Khai trước tòa, bị cáo nhiều lần phủ nhận tội danh, khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. Bị cáo còn nói “bị ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm".

Trước diễn biến này, đại diện VKS đề nghị cựu đại tá nói rõ về việc “bị ép cung”, nếu có chứng cứ gì thì hãy nêu ra để VKS cũng như HĐXX xem xét.

Cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đọc tên khoảng bốn người, bao gồm các điều tra viên và kiểm sát viên. Tuy nhiên, HĐXX ngắt lời, nhấn mạnh cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh, “nếu chỉ lời nói sẽ rất khó làm việc".

Bị cáo này đáp lại: "Nếu bị cáo chỉ ra nơi có bằng chứng như đại diện VKS hỏi thì VKS và tòa có đến nơi đó làm rõ đúng sự thật khách quan cho bị cáo hay không?".

Theo lời cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, lời khai trước đó của mình chính là chứng cứ thể hiện việc bị ép cung. Ngoài ra, cuốn sổ trích xuất bị can trong trại tạm giam cũng là "chứng cứ rất quan trọng".

Lý do, bị cáo cho rằng bị tạm giam hơn một năm, bị cơ quan điều tra đưa đi lấy cung khoảng 30 lần, đều có bút lục ghi lại, vậy nhưng trong sổ trích xuất chỉ thể hiện chín lần đi lấy cung. "Vậy hơn 20 lần kia để đi đâu?" – bị cáo đặt vấn đề.

Từ những lập luận đã nêu, Nguyễn Thế Anh đề nghị tòa triệu tập giám thị trại tạm giam, yêu cầu cung cấp cuốn sổ trích xuất để làm rõ. “Bị cáo sẽ báo cáo đúng sự thật, dám lấy tính mạng của mình ra để khẳng định…” – bị cáo nói.

Đại diện VKS quân sự tại tòa. Ảnh: Thông tấn Quân sự

Đại diện VKS quân sự tại tòa. Ảnh: Thông tấn Quân sự

Ở một diễn biến khác, kiểm sát viên trình chiếu văn bản thể hiện Nguyễn Thế Anh có gọi điện cho Phan Thanh Hữu, nhằm bác bỏ lời khai của bị cáo về việc không có số điện thoại, không liên hệ với “ông trùm”. Cựu đại tá biên phòng phản đối vì văn bản này “không khách quan”. Luật sư bào chữa thì nói “văn bản này là đánh máy, ai cũng làm được".

Đại diện VKS giải thích văn bản do các công ty viễn thông cung cấp, đã được đánh giá, xem xét trước khi xác định là chứng cứ. Bị cáo tiếp tục cho rằng các dữ liệu cuộc gọi là "không khách quan", vì thời điểm mở niêm phong các điện thoại bị tạm giữ thì bản thân không có mặt nên có thể bị người khác tác động.

Trước đó, trong phần đầu xét hỏi, do bị cáo Nguyễn Thế Anh không nhận tội, đại diện VKS đã công bố bút lục về lịch sử cuộc gọi giữa bị cáo và Phan Thanh Hữu.

Khi nghe ngang chừng, cựu đại tá phản đối, cho rằng "chứng cứ được thu thập sai pháp luật". Ngược lại, “ông trùm” xăng lậu thừa nhận có liên lạc nhiều lần với bị cáo.

Phan Thanh Hữu nhiều lần khẳng định lời khai của mình là đúng, "không vu oan cho ai cả", bao gồm việc chi tiền hối lộ cho bị cáo Thế Anh, thậm chí việc này có bảng kê theo dõi hàng tháng. Đặc biệt, “ông trùm” còn khai cựu đại tá biên phòng từng “gọi điện dọa” nên phải tiếp tục đưa hối lộ…

Chi tiền hối lộ theo “giai đoạn”

Theo cáo trạng, do quen nhau từ trước, khoảng tháng 9-2019, khi cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia để bán kiếm lời, Phan Thanh Hữu đã đặt vấn đề nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ và được đồng ý.

Lúc này, cựu đại tá đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Mỗi tháng, Hữu chi cho Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Từ tháng 10-2019 đến tháng 2-2020, Hữu chi tổng cộng 150.000 USD và 500 triệu đồng.

Đầu năm 2020, khi có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa, Hữu hẹn gặp và tiếp tục nhờ Thế Anh giúp đỡ. Cựu đại tá nhận lời, đồng thời yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác nữa.

Hữu chấp nhận nên từ tháng 3-2020 đến tháng 8-2020, mỗi tháng Hữu chi cho Thế Anh 60.000 USD và 950 triệu đồng, tổng cộng là 360.000 USD và 5,7 tỉ đồng.

Đến tháng 8-2020, biết Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Hữu “cắt giảm” tiền chi hối lộ. Từ tháng 9-2020 đến tháng 1-2021, mỗi tháng Hữu chi cho cựu đại tá 10.000 USD.

Như vậy, tổng số tiền Hữu đã hối lộ cho Thế Anh trong thời gian từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2021 là 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thế Anh bị đánh giá là “ngoan cố, chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội” – dù đây không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo cũng “không chịu khắc phục số tiền bất chính đã nhận”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm