Cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB: 'Thời thơ ấu của con mình sẽ không được gặp mẹ'

(PLO)- Trong phần tự bào chữa, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) chua xót với hình phạt 30 năm tù và nhớ về con của mình.

Ngày 19-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với bào chữa của các luật sư (LS).

Chua xót với 30 năm tù

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) bị tuyên phạt 16 năm tù về tội tham ô tài sản. Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo này bị tuyên 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Dung nghẹn lời khi nhắc về 30 năm tù của cả hai bản án.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1. Ảnh: TTBC

"Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai, bản thân rất chua xót với mức án 30 năm tù đang chờ sắp tới. Đó là khoảng thời gian rất dài mà bị cáo sẽ không được gặp con mình. Con của bị cáo mới có 9 tuổi, với mức án này thì con của bị cáo sẽ trải qua thời thơ ấu mà không được gặp mẹ. Bị cáo mong HĐXX xem xét lại số liệu và các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo sớm trở về với gia đình" - bị cáo Dung nói.

Ngoài ra, bị cáo này cũng trình bày, so sánh với một số bị cáo khác như Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu phó chủ tịch HĐQT SCB); Nguyễn Thị Phương Loan (cựu thành viên HĐQT SCB); Võ Thành Hùng (cựu phó chủ tịch HĐQT SCB) cũng có chức vụ, vị trí và vai trò tương đương mình nhưng được cấp sơ thẩm xem xét tuyên án treo. Từ đó bị cáo Dung xin được HĐXX xem xét, cân nhắc khi lượng hình.

LS bào chữa cho bị cáo Dung thì đề nghị HĐXX xem xét lại số liệu quy buộc trách nhiệm đối với thân chủ của mình. Cụ thể, bị cáo Dung thực hiện hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan từ ngày 7-1-2021 đến ngày 15-8-2022, khi giữ chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách Phê duyệt tín dụng và Xử lý nợ. Do đó, việc bản án sơ thẩm xác định thời gian bị cáo Dung phạm tội từ ngày 11-9-2019 đến ngày 15-8-2022 là chưa phù hợp và vô tình làm nặng thêm trách nhiệm hình sự cho thân chủ của mình.

Cạnh đó, LS cũng trình bày giống như tất cả các bị cáo khác thì bị cáo Dung thực hiện hành vi giúp sức theo sự chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan để thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay tiền cho bà Lan mà không hưởng bất kỳ lợi ích nào từ việc này.

Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dung đã nộp thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như thư cảm ơn, giấy chứng nhận của các ban ngành trong những lần làm từ thiện, nộp thêm 50 triệu đồng khắc phục hậu quả, tự nguyện dùng 170.000 cổ phần tại SCB để khắc phục hậu quả.

Động lực cho cuộc đại phẫu

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Cao Trí (chủ tịch HĐQT Công ty Capella) đã tự ý thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với công ty của bà Trương Mỹ Lan trị giá 1.000 tỉ đồng nhưng sau đó không hoàn trả số tiền đã nhận từ bị cáo Lan. Từ đó HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trí 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bào chữa cho bị cáo Trí, LS trình bày bối cảnh phạm tội của thân chủ mình. Theo đó, khi vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra thì rất nhiều thông tin gây nhiễu loạn làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều giao dịch có liên quan đến bà Lan, trong đó có ông Trí.

Tập đoàn do bị cáo Trí điều hành có nhiều công ty, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên khi vụ án xảy ra và có liên quan đến ông Trí sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của tập đoàn. Do đó, trong hoàn cảnh hỗn loạn tại thời điểm đó ông Trí đã đưa ra những quyết định vội vàng, cấp bách để giải quyết nhanh vấn đề, tránh trường hợp phạt hợp đồng, đền gấp đôi tiền cho bà Lan. Cũng từ quyết định nóng vội mà ông Trí đã vướng vào lao lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Cao Trí được xét xử vắng vì lý do sức khỏe. Ảnh: HOÀNG GIANG

LS cũng đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết bị cáo Nguyễn Cao Trí đã khắc phục xong toàn bộ hậu quả của vụ án (nộp lại 1.000 tỉ đồng) và 299 triệu đồng án phí sơ thẩm; ghi nhận những đóng góp của tập đoàn của ông Trí cho xã hội, cộng đồng; ông Trí có 27 năm tuổi đảng, luôn tuân thủ chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Xuyên suốt tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trí khẳng định và luôn muốn trả lại 1.000 tỉ đồng cho bà Lan; bà Lan cũng xin xét giảm nhẹ cho ông Trí; ghi nhận thêm điểm t (người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án); hiện ông Trí đã khắc phục xong hậu quả của vụ án, trả bà Lan 1.000 tỉ đồng; sức khỏe của ông Trí cũng không được đảm bảo, sắp tới phải thực hiện đại phẫu.

Ngoài ra, LS của ông Trí cũng kiến nghị HĐXX tuyên chấm dứt 4 giao dịch dân sự giữa ông Trí với bà Lan. Hiện ông Trí đã chấp hành xong bản án sơ thẩm nên đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên các tài sản; và xin chính sách khoan hồng đặc biệt, tuyên án đối với ông Trí bằng thời gian ông đã bị tạm giam.

Luật sư nêu các tình tiết giảm nhẹ mới của cựu phó tổng giám đốc

Bị cáo Hồ Bửu Phương, cựu phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù về tội tham ô tài sản; ở giai đoạn 2, bị cáo này nhận thêm bản án 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong phần bào chữa, LS của bị cáo Phương cho biết thân chủ của mình không tham gia vào phương án vay tại SCB nên không biết rõ được nguồn gốc các khoản tiền được giao thực hiện giải quỹ là khoản tiền vay trái pháp luật; chỉ nghĩ đơn giản là tạm thời giải quỹ để VTP sử dụng, sau đó sẽ chuyển trả.

Cạnh đó, trong 277 khoản vay được bị cáo Phương thực hiện phương án giải quỹ thì có 207 khoản đã được chuyển tiền lại để thanh toán một phần nợ gốc, với tỉ lệ 74,73%. Từ đó, LS đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền quy buộc trách nhiệm cho cho thân chủ của mình.

Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, LS cũng trình bày thêm 2 tình tiết mà LS cho rằng là tình tiết giảm nhẹ mới của bị cáo Phương là bằng khen của Bộ Tài chính và cha ruột được Bộ Tài chính trao tặng Huy chương vì sự nghiệp tài chính Việt Nam và giấy khen của Tổng cục Thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới