Đã đến lúc Nhà nước để nhà kinh doanh quyết định giá bán xăng?

(PLO)- Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu và đặc biệt phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Người dân phải xếp hàng dài mà không mua được hàng. Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống xăng dầu?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mấy ngày nay, thị trường xăng dầu khu vực phía Nam trở nên xáo trộn với hệ thống cửa hàng bán lẻ. Người dân phải xếp hàng dài mà không mua được, hoặc chỉ mua được với số lượng hạn chế. Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống xăng dầu? Tại sao các cây xăng lại thiếu hàng trong khi Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung hệ thống vẫn được bảo đảm.

Xăng dầu phụ thuộc giá thành phẩm thế giới nhưng Nhà nước lại quản lý giá bằng cách xác định giá cơ sở dựa vào giá thị trường thế giới. Có lẽ nhà nước lo không quản lý thì doanh nghiệp lợi dụng sự thống lĩnh thị trường, lợi dụng mặt hàng bắt buộc phải tiêu dùng để kiếm lợi lớn, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là đúng. Tuy nhiên, việc nhà quản lý trực tiếp tham gia vào quá trình xác định giá là mang tư duy hành chính áp lên thị trường.

Tại sao người bán phở không nhất thiết phải điều chỉnh giá bán theo biến động giá đầu vào hàng ngày? Vì họ xác định lợi nhuận thu được trong một khoảng thời gian dài, ổn định. Cực chẳng đã họ mới tăng giá. Người bán hàng không bao giờ muốn giá hàng hóa bán ra nhảy múa liên tục, họ muốn giá lên - xuống trong biên độ nhịp nhàng.

Thế giới có nhiều cách điều hành giá xăng dầu, có nơi áp dụng hình thức ấn định giá cố định bán lẻ, có nơi áp dụng giá trần, có nơi để thị trường tự do quyết định. Ở các nước có thị trường tự do thì sự can thiệp của nhà nước chỉ giới hạn trong việc thiết lập các điều kiện đảm bảo tính minh bạch của thị trường và cạnh tranh tự do.

Việt Nam thuộc nhóm nước áp dụng giá trần với xăng dầu. Ấn định giá trần, các nhà bán lẻ được tự do xác định giá bán miễn không vượt mức giá trần quy định. Họ cũng phải cạnh tranh về giá để bán được nhiều hơn. Mục đích của hình thức kiểm soát giá này là để bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động giá tăng đột ngột hoặc giá thị trường cao bất hợp lý.

Giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước được tính toán phụ thuộc nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có vai trò trong việc xác định các dữ liệu tính toán giá cơ sở. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh nhưng giá bán sản phẩm lại phụ thuộc sự điều hành của cơ quan nhà nước.

Nhà quản lý nên tính đến phương án điều hành mới cho thị trường xăng dầu. Ảnh: PHI HÙNG

Nhà quản lý nên tính đến phương án điều hành mới cho thị trường xăng dầu. Ảnh: PHI HÙNG

Khi thị trường ổn định, việc điều hành giá xăng dầu không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, khi thị trường biến động liên tục và bất thường, nếu nhà điều hành phản ứng chậm hoặc tính toán dự báo “lệch hướng” sẽ dẫn đến bất ổn trên thị trường. Doanh nghiệp có thể bị thiệt hại thua lỗ khi chọn thời điểm nhập hàng và đương nhiên, không ai muốn bán hàng khi càng bán càng lỗ.

Khi đã quản lý giá trần, tốt nhất là quy định giá bán đầu ra được cộng vào giá nhập vào (nhập khẩu hoặc mua từ các nhà sản xuất trong nước) tối đa là bao nhiêu. Doanh nghiệp quản lý tốt, giảm bớt chi phí thì lãi tăng thêm, quản lý kém thì lãi giảm đi. Doanh nghiệp sẽ luôn tìm cách mua giá tốt nhất.

Việc mua vào xăng dầu của doanh nghiệp bao nhiêu khối lượng, bao nhiêu tiền đều hoàn toàn xác định được. Cơ quan quản lý hoàn toàn kiểm soát được các chi phí của doanh nghiệp bằng các công cụ tính giá và có sự điểu chỉnh khi có biến động. Do đó, đã đến lúc, nhà điều hành nên để doanh nghiệp chủ động xác định giá bán và thời điểm áp dụng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần tính đến phương án tính thuế theo giá trị tuyệt đối, không nên tính theo tỉ lệ % như hiện nay với xăng dầu (ngoại trừ thuế bảo vệ môi trường đã được tính theo số tuyệt đối). Thuế thường tác động lớn hơn rất nhiều đến giá đầu ra khi giá đầu vào tăng mạnh chứ không phải các chi phí định mức và lãi của doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy và thói quen quản lý là rất khó nhưng nếu tiếp tục duy trì việc cơ quan quản lý nhà nước quyết định giá bán cho doanh nghiệp xăng dầu thì khi thị trường biến động liên tục không phản ứng kịp sẽ gây nhiễu, méo mó như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm