Hàng loạt trường ĐH nhận được danh sách từ điểm nóng gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là Hòa Bình, Sơn La đã trả thí sinh (TS) về địa phương. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn có tám trường hợp từ các trường ĐH Y Hà Nội, Thương mại, Sư phạm Hà Nội… và mới nhất, ngày 19-4, một TS tại ĐH Luật Hà Nội sau chấm thẩm định bị giảm điểm nhưng vẫn được tiếp tục đi học như bình thường.
Trường đuổi, trường cho học tiếp
Lý do dẫn đến việc giải quyết như trên của các trường ĐH xuất phát từ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trước đó bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết Công văn số 942/BGDĐT-QLCL ngày 11-2-2019 của Bộ đã hướng dẫn rõ: “Kết quả chấm bài thi của Bộ GD&ĐT là kết quả chính thức của bài thi, kết quả này thay thế kết quả do các hội đồng thi đã công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho các TS liên quan”.
Do đó, nếu TS bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để TS tiếp tục học tập, trừ trường hợp trường có quy định khác đã được công bố. Nếu điểm bị giảm không liên quan đến tổ hợp xét tuyển thì tạm thời - trước khi có kết luận điều tra - có thể chưa xử lý, trừ khi trường có quy định khác đã được công bố, đủ làm căn cứ để giải quyết vấn đề theo hướng khác.
Nếu nhiều trường làm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì trong 53 TS bị can thiệp điểm tại hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La, các TS trúng tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an đều đã bị buộc thôi học. Điều đáng nói là có những trường hợp TS được nâng điểm thi, sau khi chấm thẩm định, điểm thi thật của các em vẫn đủ điểm trúng tuyển vào các trường này.
Giải thích về quyết định trên, GS-Tiến sĩ Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an, cho rằng đã gian lận trong thi cử là phải buộc thôi học, nhất là các trường công an, quân đội. Đây là những nơi đào tạo lực lượng vũ trang cho đất nước, đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức.
Năm trong số tám bị can trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La. (Ảnh do Công an tỉnh Sơn La cung cấp)
“Đã bị giảm điểm là phải đuổi”!
Hai cách giải quyết khác nhau của hai khối trường thuộc Bộ GD&ĐT và Bộ Công an nhận được nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên cách xử lý của các trường khối công an vẫn được các chuyên gia giáo dục ủng hộ nhiều hơn.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Khuyết, cựu phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, dù tác động ít hay nhiều, nâng ít hay nhiều thì đây cũng được xem là hành vi gian lận và phải được xử lý theo đúng quy định.
Đồng quan điểm với cách xử lý của Bộ GD&ĐT, ông Khuyết cho rằng đối với trường hợp có nâng điểm nhưng sau đó trả về điểm thật kết quả TS này vẫn đỗ vào trường đang theo học thì cũng cần có phương án xử lý thận trọng. Tức là nếu xác định TS có tham gia vào việc “chạy” điểm thì dứt khoát xử lý, còn chưa xác định xuất phát từ phụ huynh hay TS lại phải xử lý theo hướng khác phù hợp hơn và nên cho các TS này tiếp tục học để tránh phạt oan.
Trong khi đó, PGS-Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dứt khoát: “Đã gian lận thi cử thì cần phải được xử lý, ngay cả những trường hợp sinh viên bị hạ điểm nhưng không liên quan tổ hợp xét tuyển ĐH cũng nên xử lý kỷ luật, đặc biệt là buộc thôi học. Bởi dù thế nào các em cũng như gia đình đã có ý đồ gian lận trong thi cử thì nên bị đuổi học”.
Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, mọi việc cần phải xử lý theo đúng pháp luật. Trong luật, quy định và quy chế về tuyển sinh nêu rất rõ, trong trường hợp gian lận ra sao thì sẽ bị xử phạt như thế nào. Tất cả phải được thực hiện theo đúng luật, không nói chuyện theo cảm tính, nói chuyện nhân đạo.
Tất cả TS dù vi phạm nhỏ nhất ví dụ đem điện thoại vào phòng thi chưa dùng đã bị cấm thi cả một năm. Cho nên sẽ có những mức độ xử lý tùy theo tình trạng vi phạm. Đặc biệt, đã gian lận là gian lận chứ không thể bao biện. “Họ không thể nói tôi đi thi sáu môn, chỉ gian lận một môn và tôi dùng kết quả của ba môn khác để xét tuyển vào trường thì không sao. Như vậy không đúng” - ông Chính nói.
Đưa ra ý kiến về việc xử lý TS có điểm được can thiệp trong kỳ thi vừa qua, PGS-Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, cựu thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng ngoài việc nên công khai danh tính TS được can thiệp điểm, chúng ta phải có phương án xử lý mạnh tay với những TS được can thiệp điểm, phải đuổi học, không châm chước. |