Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng khu đất 29 ha Đa Phước

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT về một số nội dung đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Trong báo cáo này có nội dung liên quan Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12-5-2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Khu đất 29 ha thuộc Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Ảnh: TẤN VIỆT

Bản án giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu), cùng các bên liên quan thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này.

Theo UBND TP Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Đa Phước (gọi tắt là Công ty Đa Phước) đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án.

Do vậy, khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được, vì không giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá. 

“Trong khi đó, phán quyết của tòa là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện trên thực tế”, báo cáo nêu.

UBND TP Đà Nẵng cũng cho rằng việc thu hồi đất sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn TP. Hậu quả về mặt ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn TP là khó dự đoán được.

Công ty Đa Phước đã vay hơn 1.500 tỉ đồng để phát triển dự án. Ảnh: TẤN VIỆT

Báo cáo cũng đề cập việc Công ty Đa Phước đã đầu tư rất lớn vào dự án. Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, việc thu hồi dự án là thu hồi toàn bộ khu đất và phải thực hiện đền bù về tài sản hợp pháp cho chủ đầu tư.

“Do đó, ngân sách cần số tiền rất lớn để đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư”, UBND TP Đà Nẵng cho hay.

Ngoài ra, Công ty Đa Phước đã vay của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội lên đến hơn 1.500 tỉ đồng.

Đây là khoản vay để phát triển dự án. Công ty Đa Phước đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29 ha.

Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ta Đa Phước sẽ phá sản. Các khoản nợ ngân hàng trên sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi và sẽ tác động lớn đến xã hội, gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với những nội dung vướng mắc về thu hồi đối với khu đất 29 ha nói trên theo Bản án 158/2020/HS-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 7-7, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng, cho hay đơn vị vẫn chưa nhận được ủy thác thi hành án.

“Cục THADS TP Hà Nội dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đối với Đa Phước ủy thác cho Cục THADS TP Đà Nẵng tổ chức thi hành”, ông Thu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới