Tại Hội nghị gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp (DN) TP Đà Nẵng diễn ra chiều 6-10, lãnh đạo TP và đại diện hơn 300 DN đã trao đổi, chia sẻ các khó khăn để cùng nhau tháo gỡ, tạo thêm đòn bẩy cho DN phát triển.
Lo lắng DN đổ về địa phương khác
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán - thẩm định giá và tư vấn Ecovis AFA Việt Nam cho hay, tiền thuê đất chu kỳ 2020-2024 tại Đà Nẵng tăng đột biến gây áp lực rất lớn cho DN.
Ở góc độ quan sát, ông Hiếu đánh giá cao nỗ lực xử lý của chính quyền Đà Nẵng. Bởi cộng đồng DN cần hiểu là bảng giá đất chu kỳ 2015-2019 có tăng so với trước đó nhưng không nhiều.
Đến chu kỳ 2020-2024, do lấy giá đất năm 2019 (đỉnh điểm sốt đất tại Đà Nẵng) làm thước đo nên bảng giá đất mới tăng rất cao, tiệm cận giá thị trường.
Điều này đúng với các quy định pháp luật đất đai hiện hành, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề, giải đáp của bộ ngành Trung ương đối với kiến nghị của Đà Nẵng chưa đáp ứng được mong mỏi của DN.
“DN cần hiểu rõ bản chất vấn đề cũng như các quy định liên quan đến pháp luật đất đai. Tuy vậy, điều đáng lo là giá đất các tỉnh lân cận không tăng mạnh như Đà Nẵng, dẫn đến việc các DN có thể đổ về các tỉnh lân cận để đầu tư”, ông Hiếu cảnh báo.
Tại hội nghị, các DN cũng than phiền việc tiếp cận vốn vay ngân hàng gặp khó dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách hạ lãi suất, nới room tín dụng nhưng lại khó khả thi trong thực tế.
Đại diện các DN đề nghị ngân hàng thương mại cần rõ ràng, minh bạch trong chính sách cho vay.
Tập trung triển khai các khu công nghiệp mới
Đáp lời DN, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng khẳng định, DN cần ngân hàng để có vốn kinh doanh. Nhưng ngân hàng còn cần DN hơn rất nhiều, bởi không có DN thì ngân hàng thương mại “sống rất khó khăn”.
“Ngân hàng rất cần DN để cộng sinh. DN hoạt động không hiệu quả thì ngân hàng cũng chết theo. DN nào gặp khó trong tiếp cận vốn vay cần báo cáo ngay, có văn bản gửi ngay cho Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi can thiệp, hỗ trợ tối đa”, ông Võ Minh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phân tích, trong cơ cấu GRDP chín tháng đầu năm 2023 của TP, khu vực du lịch dịch vụ cơ bản khôi phục lại bước tăng trưởng của năm 2019.
Nhưng khách quốc tế mới đạt khoảng 70-80% của năm 2019, vì chưa khôi phục được thị trường khách Trung Quốc.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp quay lại được đà của năm 2019, nhưng khu vực xây dựng chỉ đạt khoảng 90%. Do đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng không như kỳ vọng.
Về giá thuê đất, ông Minh cho hay lãnh đạo Đà Nẵng đã rất nỗ lực, cố gắng. Cụ thể như việc tỉ lệ tiền thuê đất trong khung từ 1-3% thì TP đã báo cáo HĐND TP giảm từ 3% xuống 1%.
Tỉ lệ giữa đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh so với đất ở theo khung tối đa 90% thì Đà Nẵng đã đưa xuống từ 50-70%.
Theo ông Minh, TP đã chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại toàn bộ bảng giá đất, các hệ số điều chỉnh giá đất, các tỉ lệ điều tiết… UBND TP Đà Nẵng sẽ tập trung báo cáo cơ quan thẩm quyền, dự kiến trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Ông Minh thông tin thêm, Đà Nẵng có sáu khu công nghiệp (KCN) và một khu công nghệ cao. Nhưng sáu KCN này thì tỉ lệ lấp đầy đã đạt 90%, chỉ còn 10% là khoảng 30 ha tại KCN Liên Chiểu.
“Giờ các DN mới vào cần hàng chục đến hàng trăm hecta thì rất khó khăn. TP đang tập trung triển khai các KCN mới như KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn. Đồng thời TP cũng chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN”, ông Minh nói.