Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Đà Nẵng xếp vị trí thứ 9 trên tổng số 63 tỉnh thành, rớt năm bậc so với năm 2021.
Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Lê Minh Tường. Ảnh: TẤN VIỆT |
Nguyên nhân của sự tụt hạng
Tại cuộc họp báo quý I-2023 của UBND TP Đà Nẵng vừa diễn ra, trả lời câu hỏi của PLO về việc vì sao Đà Nẵng rơi xuống vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng PCI 2022, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Lê Minh Tường đã chỉ ra một số nguyên nhân chính.
Về nguyên nhân khách quan, ông Tường cho hay VCCI đã phân tích rằng, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Chỉ số tiếp cận đất đai Đà Nẵng giảm 0,9 điểm.
Việc tiếp cận thông tin có cải thiện, nhưng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng phải cải thiện hơn nữa. Những tài liệu khó tiếp cận nhất với DN lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Đây đều là các loại thông tin tài liệu phải công khai theo quy định nhưng trên thực tế hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng bởi các địa phương. Các DN tiếp cận thị trường khó khăn, nguyên nhân chính do các DN đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng đầy đủ mới có thể gia nhập thị trường.
Sau dịch COVID-19, lao động của DN không ở lại địa phương đã gây ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và tuyển dụng của DN.
Đà Nẵng nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: TẤN VIỆT |
Về mặt chủ quan, ông Tường cho hay Đà Nẵng vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt nguồn lực của TP vẫn chưa được khơi thông khiến cho việc thu hút đầu tư còn hạn chế.
Cụ thể là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tập trung đầu tư.
Ngoài ra, quỹ đất có quy mô lớn còn thiếu và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, làm cơ sở để thu hút đầu tư. Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án của tòa…
Tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp
Trao đổi thêm sau cuộc họp báo, lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 12 về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện các vấn đề còn vướng mắc.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ nỗ lực giữ vững tăng trưởng kinh tế, sớm vượt qua các khó khăn thách thức, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2023. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP, giá so sánh 2010) tăng 6,5-7% so với ước thực hiện năm 2022.
Đà Nẵng luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TẤN VIỆT |
Đà Nẵng tập trung phối hợp với các bộ ngành Trung ương khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các kết luận thanh tra, quy hoạch, thủ tục đầu tư.
TP đã giao kế hoạch, công khai và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định cho các nhiệm vụ để có cơ sở triển khai thực hiện, giải ngân từ đầu năm 2023. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, các công trình động lực, trọng điểm.
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, TP sẽ đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2, Cụm công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao và tiếp tục thực hiện có hiệu quả 15 chính sách hỗ trợ DN.
“Sở KH&ĐT mong muốn cộng đồng DN tiếp tục đồng hành cùng TP. Mục tiêu là biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để cùng Đà Nẵng đột phá, khẳng định vị trí, vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn”, lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay.