Với cách mặc cả “chuyên nghiệp”, cách “nói thẳng, nói thật” của ông thư ký tòa cho thấy ông muốn “tát cạn, bắt sạch” theo kiểu “được đồng nào quý đồng đó” từ người vô phước đáo tụng đình. Khổ nỗi ông không tự ý làm mà là làm theo việc “bật đèn xanh” trước đó của người lãnh đạo cao nhất tại cơ quan này.
Điều sơ đẳng mà bất kỳ ai làm trong ngành tòa án đều biết: Tòa án là nơi có nhiệm vụ bảo vệ công lý, là nơi người dân gửi gắm niềm tin rằng bất kỳ vi phạm pháp luật hình sự nào cũng bị xử lý nghiêm minh, bất kỳ quyền hoặc lợi ích hợp pháp nào của công dân bị xâm phạm đều được bảo vệ theo đúng pháp luật. Vậy nên biểu tượng của thần công lý mới bị bịt mắt để thần không bị ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài. Thế nhưng trong vụ ông Quý, những người thực thi công lý, nhân danh công lý “mở mắt” rất to để nhìn cái hầu bao của ông Quý, để mặc cả về số tiền mà họ sẽ nhận được khi xử ông này. Họ bị mờ mắt không phải vì dải khăn ngang mặt mà vì tiền?
Mặc cả mức án như một món hàng, xem bị cáo như một “con mồi”, mang công lý ra mua bán, ngã giá theo lối “được đồng mô hay đồng đó”… họ đã làm người dân giật mình sợ hãi vì nhân cách khiếm khuyết.
Chưa biết quy trình điều tra, xử lý những người này sẽ như thế nào nhưng với việc tạm đình chỉ công tác những người này, phần nào cho thấy sự cương quyết xử lý của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với cách trao đổi, ngã giá với bị cáo như thế, các cơ quan chức năng nên mạnh tay loại bớt những con sâu dạng này ra khỏi bộ máy nhà nước vì họ đã mang niềm tin của người dân vào công lý ra đùa cợt.
VI TRẦN