Sáng sớm, người dân di chuyển đến địa điểm tổ chức bằng tắc ráng. Chiếc xuồng xé nước qua rừng đước, rừng tràm mênh mông chở đầy những tâm trạng hân hoan, hạnh phúc. Hôm nay họ được VKS xin lỗi oan…
Tuy nhiên, những tâm trạng hân hoan và lòng vui mừng khấp khởi ấy đã nhanh chóng biến mất khi mọi người chứng kiến đại diện VKS đọc bài xin lỗi trong… hai phút. Không ân cần bắt tay, không chụp ảnh chung…
Người dân hụt hẫng. Họ đã mong mỏi đại diện VKS chia sẻ và giải đáp những thắc mắc, ấm ức phải chịu oan ức bấy lâu biết bao...
“Tôi chỉ được cử đi để xin lỗi công khai, không trả lời bất kỳ vấn đề gì khác. Nếu có thắc mắc gì, mời bà con đến VKS để hỏi, sẽ có người có thẩm quyền trả lời” - đại diện VKS đã trả lời như vậy. Câu trả lời này lập tức bị những người có mặt nghẹn ngào phản ứng. “Bước qua cổng bảo vệ của VKS đã khó khăn, nói gì đến việc được viện trưởng tiếp và trả lời đã xử lý cán bộ của mình ra sao…” - một người dân nói.
Trước tiên, phải nhìn nhận công bằng rằng VKSND huyện Cái Nước đã rất cầu thị, sòng phẳng với dân. Khi thấy vụ án có dấu hiệu oan rõ ràng thì đã ngay lập tức thống nhất quan điểm và kịp thời đình chỉ vụ án, tránh những thiệt hại pháp lý nặng nề hơn đối với các bên. Từ khi khởi tố đến khi đình chỉ là 14 tháng - ngắn hơn nhiều so với những vụ án oan khác khi phải rất lâu sau cơ quan tố tụng mới thừa nhận mình đã sai.
Tuy nhiên, có lẽ trong buổi xin lỗi này người dân chưa thấy hết được sự thành tâm trong đó.
Cán bộ công an đến bắt tay, thăm hỏi ông Nguyễn Lâm Sáu (78 tuổi, trú phường Khánh Xuân, bị oan sai, phải mang thân phận bị can suốt 33 năm) sau buổi xin lỗi oan. Ảnh minh họa: ĐẠI DŨNG
Đã có nhiều vụ xin lỗi oan trước đây nhưng không khí khác hẳn. Tháng 8-2015, VKSND huyện Tân Phú, Đồng Nai đã tổ chức xin lỗi bà Hà Ngọc Bích - chủ trang trại cá sấu bị oan tội hủy hoại tài sản. Tháng 4-2017, VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM xin lỗi ba thanh niên bị oan tội cướp tài sản.
Hai buổi xin lỗi này đều được người dân ngợi khen vì tổ chức chân tình, chu đáo. Bà Bích hài lòng về công tác chuẩn bị của phía VKS cũng như cách ngỏ lời xin lỗi bà. Kết thúc buổi xin lỗi, người đứng đầu cơ quan làm oan đã đến bắt tay, chụp ảnh chung với bà và những người tham dự. Vị viện trưởng này đã chia sẻ ngay tại buổi xin lỗi rằng “thấy sai thì phải mạnh dạn, thẳng thắn sửa sai, gây oan thì phải chân thành nhận lỗi và sửa lỗi”.
Người dân cũng hoàn toàn có lý do để tin tưởng trước lời hứa chân thành của đại diện VKSND huyện Bình Chánh: “Chúng tôi xin hứa sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực để trong thời gian tới không một người nào, gia đình nào phải chịu thiệt hại do bị làm oan nữa”.
Đã xin lỗi thì phải thành tâm và được chấp nhận. Đây là một nguyên tắc ở cả đời thường lẫn trong hoạt động của cơ quan tố tụng. Việc chân thành xin lỗi còn thể hiện văn minh pháp lý trong một nhà nước pháp quyền.
Luật sư trong vụ xin lỗi ở Cà Mau trên đã nói: “Bà con ở đây có thừa lòng độ lượng, vị tha. Cái quan trọng là đối nhân xử thế của cơ quan gây oan cho dân…”. Thế mới là xin lỗi!