Ngày 13-6, VKSND huyện Cái Nước, Cà Mau đã tổ chức buổi xin lỗi công khai vì đã làm oan đối với ba công dân Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Vũ Ca và Lê Minh Nhựt. Đây là ba người bị oan trong vụ án “chiếc áo đỏ oan nghiệt” - một vụ cướp kiểu “từ trên trời rơi xuống” mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh.
Xin lỗi tại trụ sở ấp
Sáng sớm, chiếc vỏ lãi xé nước đưa các luật sư và người bị oan từ bến đò vào địa điểm VKS tổ chức xin lỗi oan. Cha của anh Nguyễn Vũ Ca bàn tay gân guốc đứng mũi cầm dàn cung máy.
Hơn 20 phút sau, tại trụ sở sinh hoạt ấp, người người tề tựu chờ xem diễn biến. Đại diện VKS huyện cũng di chuyển đến nơi xin lỗi bằng vỏ lãi.
Điều đặc biệt buổi xin lỗi phải diễn ra ở hai nơi cách nhau hơn 50 km vì ba người bị oan sống ở hai huyện khác nhau. Buổi sáng, việc xin lỗi diễn ra ở ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn đối với anh Khang và anh Ca. Buổi chiều, mọi người phải di chuyển qua ấp Sào Lưới Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân.
Bà Từ Thanh Thùy (Phó Viện trưởng VKSND huyện Cái Nước) đọc lời xin lỗi của cơ quan này, bày tỏ sự đáng tiếc khi đã gây oan cho ba thanh niên. Bà Thùy cũng thông báo VKSND huyện Cái Nước đã hoàn tất hồ sơ, gửi lên VKSND Tối cao để nơi đây chuyển sang Bộ Tài chính chi ngân sách bồi thường.
Theo đó, tổng số tiền mà ba anh sẽ nhận được là khoảng 500 triệu đồng sau một năm bị bắt tạm giam oan và mang thân phận bị can, bị cáo. Sau khi đọc lời xin lỗi dài khoảng hai phút, đại diện VKS cũng cam kết kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Gia đình những người bị oan đòi phải gặp mặt kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử, đồng thời công khai, minh bạch hình thức xử lý kỷ luật đối với ông này. Bà Thùy giải thích rằng bà có mặt ở đây với tư cách đại diện cho cơ quan làm oan để xin lỗi. KSV gây oan chỉ là người thừa hành, VKS huyện mới là người chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, KSV này đã bị kiểm điểm và xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, xử lý bằng hình thức gì thì bà Thùy không nói rõ mà chỉ cho biết “đã xử lý theo quy định của ngành”.
Quang cảnh buổi xin lỗi anh Ca và anh Khang tại ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. Ảnh: H.GIANG
Bị phản ứng vì thiếu công khai
“Tôi chỉ được cử đi để xin lỗi công khai, không trả lời bất kỳ vấn đề gì khác. Nếu có thắc mắc gì, mời bà con đến VKS để hỏi, sẽ có người có thẩm quyền trả lời” - bà Thùy nói. Câu trả lời này lập tức bị những người có mặt phản ứng. “Bước qua cổng bảo vệ của VKS đã khó khăn, nói gì đến việc được viện trưởng tiếp và trả lời đã xử lý cán bộ của mình ra sao” - một người dân nói.
Ba luật sư (LS) từng bào chữa miễn phí cho ba bị cáo là Trần Thị Ánh, Nguyễn Minh Châu và Mai Lâm Phương. Các LS từng nhiều lần lặn lội từ TP.HCM xuống Cái Nước tham gia nhiều phiên tòa, có phiên tòa kéo dài năm ngày.
LS Ánh phát biểu: “Bà phó viện trưởng nói rằng có yêu cầu gì lên VKS hỏi là đánh đố nhau. Bà con ở đây có thừa lòng độ lượng, vị tha. Cái quan trọng là đối nhân xử thế của cơ quan gây oan cho dân. Việc xử lý cán bộ làm sai không phải vấn đề bí mật quốc gia mà không được công khai”.
Đại diện gia đình ba người bị oan cùng chung yêu cầu là VKS phải nêu cụ thể sự thật vụ án đó là gì, con họ bị oan thì ai là thủ phạm, bài học gì VKS rút ra để tránh làm oan người dân khác. Theo đó, họ muốn được nghe VKS nói cụ thể chứ không phải chỉ vắn tắt rằng con họ bị oan và xin rút kinh nghiệm chung. Tuy nhiên, bà Thùy tiếp tục lý giải rằng mình không có thẩm quyền phát ngôn.
Phó viện trưởng cũng từ chối các câu hỏi của phóng viên về việc sự thật vụ án cướp giật điện thoại của người bị hại Lâm Chí Nhẫn, đến nay cơ quan chức năng đã bắt được thủ phạm hay chưa. Tiến độ giải quyết vụ án này hiện đến đâu, có phải là một vụ cướp dùng vũ lực tấn công để lấy tài sản như người bị hại trình bày...
Bị bắt chỉ vì lỡ mặc áo đỏ Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, nửa đêm 2-6-2015, anh Lâm Chí Nhẫn đến trình báo với công an xã rằng khi anh đang đậu xe trên cầu để nghe điện thoại thì ba thanh niên chạy hai xe máy tông vào làm xe ngã đè lên anh. Sau đó họ đánh và cướp điện thoại di động của anh, trong ba nghi can có một người mặc áo đỏ. Lê Minh Nhựt (vừa học xong lớp 10) khi đó đang phụ chạy bàn trong quán nhậu cách nhà trọ 200 m mặc áo đỏ là đồng phục của quán. Hai người bạn của Nhựt là Nguyễn Hoàng Khang và Nguyễn Vũ Ca chạy xe đến quán thăm Nhựt và uống bia. Bất ngờ công an ập vào bắt tạm giam ba anh 13 tháng rồi cho tại ngoại. TAND huyện Cái Nước nhiều lần trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp yêu cầu điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ kết tội. Tháng 8-2016, VKSND huyện đình chỉ vụ án với lý do đã truy tố oan. Suốt quá trình tố tụng, Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phản ánh, phân tích theo hướng không đủ chứng cứ kết tội thì phải thừa nhận đã truy tố oan. |