Đại án BIDV và sự thao túng của một người

Ngày 26-10, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 12 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày, các bị cáo bị truy tố về hai tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sẵn sàng cách chức, điều chuyển nếu trái ý

Theo hồ sơ, BIDV, BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh và BIDV Chi nhánh Hà Thành đã cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng vay vốn trái quy định, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 1.600 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định BIDV phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà khi mới thành lập, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có báo cáo tài chính, chưa đủ điều kiện để xếp hạng tín dụng..., gây thất thoát hơn 799 tỉ đồng.

Tương tự, báo cáo tài chính của Công ty Trung Dũng thể hiện lợi nhuận sau thuế đều giảm qua các năm, vốn đầu tư ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng... Tuy nhiên, BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để xuất vốn vay, dẫn đến mất vốn hơn 860 tỉ đồng.

VKS khẳng định trách nhiệm thuộc về các cựu lãnh đạo, cán bộ của BIDV mà ông Trần Bắc Hà là người có vai trò chính, chỉ đạo cao nhất. Tuy nhiên, do ông này đã chết nên cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra.

Đáng chú ý, theo lời khai của nhiều bị cáo, ông Hà là một người rất quyền lực. Quá trình giải quyết cho hai công ty vay vốn, nhiều cá nhân từng có ý kiến hoặc báo cáo, song vì sức ép từ cựu chủ tịch BIDV nên buộc phải làm theo.

Điển hình, bị cáo Đoàn Ánh Sáng, cựu phó tổng giám đốc BIDV, khai do ông Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký. Bị cáo Kiều Đình Hòa, cựu giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, thì khai quá trình thực hiện giải ngân, chi nhánh phát hiện Công ty Bình Hà không đáp ứng các điều kiện theo ủy nhiệm nên đã ngừng giải ngân. Sau đó công ty này phản ứng, làm đơn gửi ông Hà. Kết quả, ông Hà yêu cầu cách chức giám đốc chi nhánh.

Đặc biệt, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp, cựu phó giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành, khai rằng ông Hà đã buộc giám đốc chi nhánh điều chuyển công tác của các phó giám đốc, thay người phụ trách quan hệ khách hàng vì có ý kiến dừng giải ngân cho Công ty Trung Dũng.

Các bị cáo trong vụ đại án BIDV tại tòa ngày 26-10. Ảnh: TP

Dấu hiệu rửa tiền

Tại dự án chăn nuôi bò, ông Trần Bắc Hà là người trực tiếp trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương thành lập dự án, đồng thời giới thiệu hai nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Do Trần Duy Tùng, con trai ông Hà, đang là tổng giám đốc Tập đoàn An Phú nên theo quy định, BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này. Để lách luật, ông Hà chủ trương thành lập Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà gồm ba cổ đông: Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là tài xế cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).

Trên thực tế, Trần Duy Tùng là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của công ty. Theo sự chỉ đạo của Tùng, các bị cáo tại Công ty Bình Hà sau khi nhận tiền bán bò thay vì đưa về tài khoản của công ty để BIDV quản lý thì lại chiếm đoạt bằng việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

Tiếp đó, các cá nhân này sử dụng để nộp tiền góp vốn, chứng minh vốn đối ứng với BIDV để tiếp tục được giải ngân. Hệ quả, các bị cáo chiếm đoạt hơn 149 tỉ đồng tiền bán bò.

Sau khi phạm tội, Tùng và Vinh bỏ trốn, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã quốc tế và tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra đối với hai bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Đặc biệt, cơ quan điều tra còn xác định Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn để thực hiện góp vốn vào LaoVietBank (Lào).

Việc này nhằm hợp thức hóa số tiền 10,4 triệu USD tiền mặt mà Tùng và Vinh đầu tư trái phép sang Lào, nộp gửi tiết kiệm tại LaoVietBank năm 2013, sau đó dùng để góp vốn vào LaoVietBank cho Công ty SHH Viêng Chăn.

Hành vi trên có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hoặc rửa tiền. Do Tùng và Vinh đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định tách vụ án hình sự để điều tra trong vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV được tách như đã nêu ở trên.

Kê biên hàng chục nhà, đất của cha con ông Trần Bắc Hà

Để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thực hiện kê biên 10 bất động sản đứng tên sở hữu vợ chồng ông Trần Bắc Hà và con trai ông là Trần Duy Tùng tại TP.HCM. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng kê hàng chục triệu cổ phần thuộc sở hữu của bị can Tùng tại Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn và Công ty CP Tập đoàn An Phú.

Đặc biệt, thông qua hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND Tối cao Lào đã phong tỏa và ngăn chặn tài sản của ông Trần Bắc Hà tại Lào với tổng giá trị tài sản hơn 14,4 triệu USD (tương đương trên 300 tỉ đồng) để chờ quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới