Đại án BIDV: Sức ép quyền lực từ ông Trần Bắc Hà

Chiều muộn 26-10, VKSND TP Hà Nội hoàn tất công bố bản cáo trạng truy tố 12 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại ngân hàng BIDV. HĐXX tiến hành xét hỏi đối với từng bị cáo.

Theo hồ sơ truy tố, BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng để thực hiện dự án chăn nuôi bò trái quy định, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 799 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Lục Lang tại tòa ngày 26-10. Ảnh: TP

Ký vì sức ép từ ông Trần Bắc Hà

Người đầu tiên được thẩm vấn là Trần Lục Lang (cựu phó TGĐ BIDV). Ông Lang được xác định là người ký phê duyệt các báo cáo của Ban quản lý rủi ro tín dụng đề xuất cấp tín dụng và thay đổi điều kiện cấp tín dụng; ký các văn bản chỉ đạo chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi điều kiện cấp tín dụng đối với công ty Bình Hà.

Trả lời HĐXX, ông Lang khai khi nhận hồ sơ từ tổ thẩm định chung đã thấy công ty Bình Hà thiếu tài sản bảo đảm, dự án nhiều rủi ro nên yêu cầu phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm và kiểm soát chặt vốn tự có. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch BIDV) không đồng ý, đe doạ cắt chức, nói việc phê duyệt dự án thuộc quyền của HĐQT chứ không phải do ông Lang.

Theo lời cựu phó TGĐ BIDV, tại CQĐT, bị cáo từng đề nghị được đối chất với ông Hà (thời điểm ông Hà còn sống – PV) nhưng không được chấp nhận.

Khai tiếp, ông Lang cho biết công ty Bình Hà có tám lần đề nghị sửa đổi điều kiện cấp tín dụng, nhưng bị cáo chỉ thông báo lại cho chi nhánh, không đề xuất gì. Bị cáo cũng không xem hợp đồng tín dụng giữa BIDV chi nhánh Hà Tĩnh và công ty, bởi đây là trách nhiệm của chi nhánh.

Ông Lang thừa nhận VKS truy tố đối với mình là đúng, dù vậy cho rằng vai trò của bản thân mờ nhạt, chỉ là một công đoạn trong rất nhiều bước, mỗi bước lại có nhiều thành phần khác nhau.

Tương tự, ông Đoàn Ánh Sáng (cựu phó TGĐ BIDV) cũng có nhiều lời khai liên quan đến ông Trần Bắc Hà. Theo cáo trạng, ông Sáng là người ký phê duyệt báo cáo của tổ thẩm định chung đề xuất cấp tín dụng cho công ty Bình Hà.

Ông Sáng nói bản thân ký dưới dức ép của HĐQT BIDV, mà trực tiếp là chủ tịch HĐQT (tức ông Hà – PV). Đến nay, bị cáo thấy VKS truy tố mình là đúng, bởi với tình hình của doanh nghiệp như thế (công ty Bình Hà không đủ điều kiện – PV) thì dù có chịu sức ép hay điều kiện khách quan nào đi nữa việc cho vay vẫn là không đúng.

Cũng theo bị cáo, một phần lý do để BIDV cho công ty Bình Hà vay vốn là ông Hà từng có lời hứa cam kết về việc này. Bên cạnh đó, đây là dự án mang tính đặc thù, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nên doanh nghiệp được điều chỉnh điều kiện cho vay…

Tuy nhiên, HĐXX khẳng định việc cho vay phải dựa trên các quy định, quy chế chứ không thể bằng lời hứa. Mọi điều chỉnh về cơ chế tín dụng hay giai đoạn suy cho cùng phải là tài sản đảm bảo, nếu đủ tài sản đảm bảo thì muốn vay bao nhiêu cũng được.

“Tại sao không có tài sản đảm bảo, vốn của các cổ đông không có  mà vẫn cấp tín dụng?” – HĐXX truy vấn. Ông Sáng không trả lời và được cho về chỗ.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng khai chịu sức ép từ ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch BIDV. Ảnh: TP

Bị dọa cách chức vì dừng giải ngân

Người tiếp theo được thẩm vấn là Kiều Đình Hòa, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Ông Hòa được xác định là người tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt cấp tín dụng, cho vay và ký các công văn báo cáo về việc công ty Bình Hà xin vay vốn.

Khai trước tòa, bị cáo này cho biết dự án chăn nuôi bò của công ty Bình Hà là dự án đặc thù, chưa có tiền lệ, chi nhánh chưa bao giờ gặp, do đó bị cáo không đủ thẩm quyền tự thẩm định mà chỉ tham gia vào tổ thẩm định chung với tư cách tổ phó.

HĐXX hỏi ông Hòa đã làm hết trách nhiệm chưa? Cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh nói hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo yêu cầu của cấp trên.

Sau khi có quyết định phê duyệt, chi nhánh từng băn khoăn về việc công ty Bình Hà không đủ điều kiện vay vốn theo quy định chung, nhưng khi ấy ông Trần Bắc Hà “bảo lãnh” trường hợp này đã được HĐQT duyệt, có gì HĐQT sẽ chịu trách nhiệm, cứ yên tâm giải ngân.

“Dự án chưa có tiền lệ thì càng phải thận trọng hơn chứ?” – HĐXX đặt vấn đề. Bị cáo cho hay toàn bộ quá trình cho vay đều có trao đổi với Hội sở chính trước khi thực hiện.

VKS còn cáo buộc ông Hòa không giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc giải ngân sau vay, việc sử dụng vốn vay cũng như kiểm soát dòng tiền doanh thu của công ty Bình Hà, dẫn đến các cổ đông của công ty này chiếm đoạt tiền giải ngân thông qua tiền bán bò.

Tự giải thích, ông Hòa nói sau khi giải ngân, báo cáo từ bộ phận quan hệ khách hàng của chi nhánh đều khẳng định vốn vay được công ty Bình Hà sử dụng đúng mục đích, phải mãi đến cuối năm 2017  thì mới phát hiện việc sử dụng sai mục đích.

“Bị cáo thường xuyên nhắc nhở cấp dưới, tuy nhiên do khách hàng quá gian dối, năng lực cán bộ hạn chế, dự án lại mang tính đặc thù nên chi nhánh chưa có kinh nghiệm giám sát. Chi nhánh đã đề nghị Hội sở giúp đỡ nhưng không nhận được ý kiến gì” – ông Hòa khai.

Đặc biệt, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho biết đã có lần tạm dừng giải ngân đối với công ty Bình Hà. Tuy nhiên,  doanh nghiệp phản ứng rất mạnh bằng việc gửi đơn trực tiếp cho ông Trần Bắc Hà.

Kết quả, ông Hà yêu cầu cách chức giám đốc chi nhánh, đề nghị chi nhánh phải hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn. Bởi vậy, chi nhánh buộc phải có đề nghị tới Hội sở thay đổi điều kiện về hồ sơ pháp lý, tỷ lệ vốn tự có… đối với công ty này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm