Đại biểu đề nghị không giới hạn thu nhập của từng cán bộ Hà Nội

(PLO)- Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định tổng quỹ lương của Hà Nội được xác định bằng tổng định mức biên chế bình quân chung của cả nước.

Ngày 26-3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ năm, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Càng tiết kiệm, mức thu nhập tăng thêm của công chức càng cao

Một trong những nội dung được quan tâm nhiều liên quan đến quy định về tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) của Hà Nội.

Theo dự thảo, cán bộ TP Hà Nội được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. HĐND TP Hà Nội quyết định sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ theo quy định. Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.

Ngoài ra, dự luật cũng quy định HĐND TP Hà Nội quy định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách địa phương, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ và các chính sách an sinh xã hội sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nêu góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: QH

Nêu ý kiến, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với hướng quy định của dự thảo. Vị ĐBQH này đề nghị quy định tổng quỹ lương của Hà Nội được xác định bằng tổng định mức biên chế bình quân chung của cả nước.

“Số biên chế thực tế của Hà Nội thấp, chỉ bằng 1/2 mức bình quân chung. Do vậy, phần còn lại của quỹ lương dôi dư do số lượng biên chế thực tế thấp chính là quỹ lương tăng thêm của Hà Nội” - ông Cường nói. Từ đó, ông Cường cho rằng nếu càng tiết kiệm, sử dụng ít biên chế thì quỹ lương tăng thêm càng nhiều và mức thu nhập tăng thêm của mỗi người càng cao.

Ông Cường cũng đề nghị mức thu nhập của từng cá nhân không bị giới hạn, mà chỉ giới hạn tổng quỹ lương tăng thêm.

Làm rõ khái niệm về TP thuộc thủ đô

Một nội dung đáng chú ý khác là dự thảo luật quy định chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP, xã/thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên, dự thảo không quy định riêng về TP thuộc TP, mà quy định chung trong chương về tổ chức chính quyền đô thị chung với quận, thị xã.

ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng dù TP thuộc Thủ đô Hà Nội là đơn vị hành chính cấp 2 như quận, huyện nhưng chức năng, vai trò quản lý hoàn toàn khác so với quận, huyện.

“Cần phải có khái niệm về TP thuộc thủ đô và giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của TP thuộc thủ đô so với các quy định chung với các quận, huyện khác” - theo ông Cường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền TP chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là thủ đô.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao HĐND TP quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP.

HĐND TP cũng quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ…

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc cho phép HĐND TP thành lập cơ quan chuyên môn là cần thiết nhưng phải có khung tối đa về cơ quan chuyên môn của Hà Nội là bao nhiêu. Tương tự, cấp quận cũng có khung cơ quan chuyên môn tối đa là bao nhiêu.

Còn theo ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), cần bổ sung một điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND như ý kiến của ĐB Phạm Văn Hòa. Theo ông, với đặc điểm đặc thù của Hà Nội, cần trao cho TP quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn. Bên cạnh khung cứng Chính phủ quy định, cho phép Hà Nội tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình.

Cụ thể, một số cơ quan cần áp dụng “cứng” phải theo quy định của Chính phủ như công an, quân đội, nội vụ, tư pháp, mang tính chuyên chính; còn cơ quan liên quan xã hội, giáo dục, y tế thì giao cho TP quyết định theo tiêu chí của Chính phủ.

Dự kiến có 10 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 7

Phát biểu khai mạc hội nghị trước đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay từ đầu nhiệm kỳ đến nay có bốn hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách được tổ chức. Các ĐB đã đóng góp 323 lượt ý kiến đối với 25 dự án luật và một dự thảo nghị quyết...

Trong tám dự án luật được đưa ra thảo luận, cho ý kiến lần này thì có những dự án luật có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội, khác với các quy định của luật hiện hành.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho biết tại kỳ họp thứ bảy tới, chương trình xây dựng pháp luật rất nặng. Dự kiến có 10 dự án luật trình QH xem xét thông qua, cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác và số lượng lớn các dự thảo nghị quyết.

“Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tám dự án luật được trình và đối với việc hoàn thành nhiệm vụ lập pháp của kỳ họp nói chung” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới