Đại biểu lo đạo đức công chức tha hóa

Ngày 30-10, trong phiên thảo luận tại Quốc hội (QH) về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều đại biểu (ĐB) bàn về đạo đức cán bộ, môi trường cho doanh nghiệp (DN) hoạt động cùng những kiến nghị…

Còn tình trạng “giơ cao đánh khẽ”

Một trong những vấn đề được các ĐBQH đề cập đó là sự tha hóa đạo đức của giới cán bộ, công chức.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) liệt kê: Đang có tình trạng rắp tâm giật dự án nước của công ty này cho công ty khác; triệt hạ công ty, dùng lực lượng mạnh thu hồi đất của dân khi chưa có sự phê duyệt quy hoạch, chưa tái định cư, chưa hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ông cũng nêu hiện trạng rút ruột công trình, lập quỹ đen, sử dụng xe công bừa bãi; cán bộ vướng vào gian lận điểm thi, muốn con em mình, gia đình mình ở “đẳng cấp trên”… còn rất nhiều.

“Hàng ngàn kẻ giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt BHYT, BHXH; thực hiện chính sách người có công, liệt sĩ giả, thương binh giả, anh hùng giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, sư giả, thuốc giả… Rất nhiều thứ giả và là vấn đề liên quan tới đạo đức” - ông nói.

“Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng... Có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước” - ĐB Nhưỡng nhận định và cho rằng đây chính là bệnh ung thư về nhân cách.

Ông cho là để loại bỏ những căn bệnh này, các giải pháp “phát huy, tăng cường, bảo đảm, kiên trì…” như hiện nay là không ăn thua. Cử tri rất bức xúc vì có tình trạng giơ cao đánh khẽ với cán bộ sai phạm, tạo ra sự bất công nên không buộc người xấu phải sám hối, tu thân sửa mình. “Ngược lại, họ sẵn sàng hy sinh đời bố củng cố đời con” - ĐB Nhưỡng nói.

Ông đề nghị phải xây dựng một triết lý về nền kinh tế có đạo đức, phát huy vai trò giám sát quyền lực của QH.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) góp ý về chính sách cho biển Đông. Ảnh: trọng phú

DN tư nhân “khó thở”

Tại nghị trường, các ĐBQH cũng lên tiếng về việc môi trường sống cho DN tư nhân, một trong những trụ cột của nền kinh tế đang “khó thở”.

ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bày tỏ lo ngại, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% sẽ gian nan bởi sức cạnh tranh của DN đang suy giảm. Theo báo cáo, ba năm liên tiếp nguồn thu từ DN đã không đạt kế hoạch, cộng đồng DN đang đối mặt với nhiều khó khăn.

“Thực trạng rất khó hiểu khi luật pháp cũng như chính sách dường như đang bỏ quên các hộ kinh doanh nằm trong khối kinh tế tư nhân” - ông nói và dẫn chứng: 700.000 DN tư nhân đóng góp 10% GDP thì hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP và tạo việc làm cho 1,8 triệu người.

“Các hộ kinh doanh khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, không tiếp cận được tín dụng, rất khó đăng ký sở hữu trí tuệ...” - ông nêu. Theo ông Lộc, vì quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch nên họ đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt.

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Như So (Đoàn ĐBQH Bắc Ninh) thì đưa ra nghịch lý là mặc dù trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, thế nhưng chỉ trong chín tháng đầu năm, số DN ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018. Việc đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để DN tư nhân phát triển không.

“Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, DN, các giấy phép con cháu. Chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí “tuân thủ pháp luật” do tồn tại quá nhiều quy định gia tăng áp lực lên DN” - ĐB So nhận định.

Từ đó ông đề nghị Nhà nước cần can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng của nó. Đồng thời khuyến khích thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc… Vì thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực.

Truy trách nhiệm để xảy ra các đại dự án thua lỗ

Về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng cử tri và nhân dân đã có niềm tin trước kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lãng phí, gây thất thoát tài sản không kém gì nạn tham nhũng lại chưa được làm quyết liệt, mạnh mẽ.

Có nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng không đạt hiệu quả hoặc dở dang, kéo dài, dự án đội vốn còn diễn ra.

“Cử tri đánh giá cao trăn trở, tâm huyết của Thủ tướng cũng như đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng trong quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu nhưng đồng thời cử tri cũng mong muốn lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các dự án kém hiệu quả, không hiệu quả trong cả nước để xử lý, trong đó có quy trách nhiệm cá nhân” - ông nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới