Tại phiên thảo luận tổ về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An và TP Đà Nẵng chiều 31-5, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan tâm đến chính sách tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (quy định tại khoản 5, điều 4, dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An).
Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho biết nhiều năm qua có không ít các dự án đầu tư, nhất là dự án xây dựng hạ tầng giao thông ở các địa phương đã chậm tiến độ vì vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Chính điều đó đã gây ra rất nhiều hệ lụy như đội vốn, các công trình dang dở, tạo thành các nút thắt, làm mất vệ sinh môi trường…
Nhiều nhà đầu tư, nhà thầu kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án, hay nhiều dự án đã khởi công nhưng sau đó không thể triển khai vì không giải phóng được mặt bằng.
“Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định pháp luật liên tục có sự thay đổi nên khi dự án được tái khởi động thì bị đội vốn hoặc phát sinh hàng loạt vấn đề liên quan khác…” – đại biểu Mai nhìn nhận.
Từ thực tiễn đó, bà Mai đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội việc luật hoá nội dung này để áp dụng rộng rãi cho các địa phương, góp phần tạo động lực mới cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án hạ tầng giao thông của cả nước, trong đó có các dự án trọng điểm quốc gia.
Nêu ý kiến tại, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng), nói có một thực tế lâu nay là các địa phương muốn phát triển đều phải “xé rào”.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện thì rõ ràng không thể tránh khỏi những quy định khi thực hiện mới bắt đầu bộc lộ những bất cập. Trong khi quy trình sửa luật không đơn giản một chút nào.
Theo bà, về lâu dài, cần phải tính đến việc sửa Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình tự, thủ tục ở các luật khác đa phần giao cho Chính phủ quy định, không giao trong thông tư các bộ nhưng cũng có quy định “mở” là trừ trường hợp cho phép.
“Chính trình tự, thủ tục là cái vướng mà đôi khi làm chúng ta mất cơ hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư” – bà Thúy nhấn mạnh.
Bà nhất trí với ý kiến là Quốc hội phải sớm có nghị quyết về lĩnh vực đất đai, đặc biệt tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để triển khai cùng thời điểm với Luật Đất đai 2024 và cho rằng vấn đề này không khó, bởi đây là thẩm quyền của Quốc hội..
“Nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn làm được chứ không đổ cho cơ chế. Vì suy cho cùng, cơ chế cũng do con người làm ra” – bà khẳng định.
Trước kiến nghị luật hóa chính sách tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng “việc này là cần thiết”. Vừa qua Chính phủ cũng cho biết sẽ tổng kết, báo cáo, xin chủ trương và đề xuất Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, nếu giờ mà luật hoá thì sẽ rất lâu. Ông cho hay Luật Đất đai 2024 yêu cầu phải có tái định cư trước khi thu hồi đất. Như vậy dù có muốn hay không thì bắt buộc chúng ta phải có dự án tái định cư trước khi thực hiện việc thu hồi đất.
“Nếu được, chúng ta thống nhất kiến nghị Quốc hội có một nghị quyết về vấn đề này và triển khai đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024. Như vậy sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và tạo sự đồng bộ trong thực hiện” – ông Quảng nói và khẳng định việc khó nhất hiện nay vẫn là câu chuyện về trình tự, thủ tục.