Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: 'Biết có rủi ro nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận làm'

(PLO)- Nói về đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết đây là vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thành công sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì TP sẽ gánh chịu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 31-5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Có rủi ro nhưng vẫn chấp nhận làm

Tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết sau một thời gian dài phát triển, Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết 43, Nghị quyết 26 là Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm của vùng và cả nước, thậm chí là phát triển trở thành một thành phố đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết 43 đặt ra Đà Nẵng đều không đạt được nếu không có những cơ chế đột phá, đặc thù.

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: 'Biết có rủi ro nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận làm'
Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, hiện dư địa phát triển, đặc biệt là dư địa về đất đai của địa phương đã có những hạn chế nhất định. Do đó, TP định hướng vào phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai những chính sách mới trong thu hút đầu tư.

“Đây là những động lực mới trong phát triển xanh cũng như giữ gìn môi trường của TP, phục vụ cho các mục tiêu lớn hơn như phát triển du lịch bền vững” – ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Theo Bí thư Đà Nẵng, dự thảo nghị quyết gồm 30 chính sách, trong đó có 25 chính sách cơ bản được tiếp thu, hoàn thiện từ các chính sách của các địa phương khác, có phát triển, bổ sung và đánh giá rút kinh nghiệm sau quá trình thực hiện để phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, trong năm chính sách mới có hai chính sách rất đáng quan tâm. Theo đó, Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất, được Bộ Chính trị đồng ý, đang đưa vào nghị quyết là thí điểm thành lập khu thương mại tự do.

Đây là một trong những đột phá và cũng là dám nghĩ, dám làm trong thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.

“Chúng tôi xác định việc này có rủi ro nhưng vẫn chấp nhận làm. Nếu thành công thì đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì TP sẽ gánh chịu” – ông Quảng chia sẻ.

Chính sách mới thứ hai là Đà Nẵng hướng tới việc thu hút nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, trọng tâm là hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, các lĩnh vực như thiết kế chip bán dẫn và AI… Từ đó, tạo cơ chế để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM… vào đầu tư.

“Các nhà đầu tư lớn đã đặt vấn đề, chỉ chờ cơ chế, chính sách này được thông qua là đầu tư vào Đà Nẵng” – ông nói và cho hay TP đã xây dựng chính sách để tự chủ nguồn lực của TP và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

nguyen-thi-viet-nga-biet-co-rui-ro-nhung-chung-toi-van-chap-nhan-lam.JPG
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

Thu hút nguồn tài chính từ các tập đoàn lớn quốc tế

Tán thành về chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ và có đề án riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và đặc biệt, cần rõ ràng về cơ chế chính sách. “Đề xuất chung chung như dự thảo thì khó khả thi, nếu vội vàng đưa chung vào dự thảo này thì có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”- đại biểu tỉnh Quảng Trị lo ngại.

Ông Hà Sỹ Đồng dẫn chứng: Quảng Trị từ năm 2000 cũng thí điểm xây dựng khu thương mại tự do Lao Bảo, nhưng tới năm 2015 tổng kết thì có nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng, gây thất thu thuế.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng không nên cầu toàn, nếu chờ đề án riêng thì chưa biết đến bao giờ mới có được mô hình mới này.

“Khu thương mại tự do Thượng Hải thành lập từ 2013 tới nay vẫn đang thí điểm và đã qua sáu lần điều chỉnh, từ 28 km2 ban đầu, tới nay đã mở rộng thành 200 km2 và được đánh giá rất thành công. Thôi không cầu toàn, cứ thí điểm thành lập (...). Nếu cơ chế chính sách nào có hiệu quả thì ta nhân rộng ra bên ngoài” - theo ông Thanh.

“Việc thành lập khu thương mại, tài chính tự do ở Đà Nẵng giúp chúng ta có điều kiện để thu hút được nguồn tài chính từ các tập đoàn lớn vào Đà Nẵng. Đồng thời, giúp địa phương này cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực, như Singapore, Hồng Kông…”

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá cơ chế, chính sách đề xuất cho khu thương mại tự do Đà Nẵng chủ yếu vẫn ‘bê’ một số chính sách đã áp dụng cho khu công nghiệp, khu kinh tế sang.

“Đà Nẵng hội đủ điều kiện để thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, có sân bay, có cảng, có đường sắt, có nguồn nhân lực… Dư địa phát triển của Đà Nẵng là khó rồi, chiều rộng khó thì phải phát triển chiều sâu” - ông Thanh nói nên cần ủng hộ đề xuất mới này, còn đề án riêng thì tiếp tục nghiên cứu.

Góp ý cho dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) lại đề nghị thành lập khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng thay vì khu thương mại tự do như trong dự thảo. Theo bà, hiện Đà Nẵng đang rất nỗ lực thực hiện mục tiêu là vươn lên thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực miền Trung, nếu thành lập khu thương mại, tài chính tự do ở Đà Nẵng thì đây sẽ là bước đi chiến lược để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.

“Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào Đà Nẵng tốt hơn” – bà Nga nhấn mạnh.

Khu vực thương mại, tài chính tự do còn có thể cung cấp những dịch vụ tài chính tiên tiến như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm hay quỹ đầu tư, từ đó có thể thu hút được các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến Đà Nẵng. Cùng với đó là tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm