KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM 10-10

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Vị thế luật sư ngày càng nâng cao

(PLO)- Ngày càng có nhiều luật sư Việt Nam tham gia tư vấn các thương vụ quốc tế có giá trị rất lớn, tranh tụng ở các môi trường quốc tế đòi hỏi những kiến thức sâu rộng và kỹ năng cao cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xã hội càng phát triển, vai trò của luật sư (LS) càng vươn rộng ra khỏi pháp đình. LS, với tư cách người tư vấn pháp luật chuyên nghiệp, hiện diện và cần thiết trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong quan hệ gia đình, trong quan hệ lao động, trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, đến những thương vụ hàng chục, hàng trăm tỉ đô la của các tập đoàn đa quốc gia và những thỏa thuận mang tính quốc tế giữa các nhà nước với nhau.

Thăng trầm nghề luật sư

Nghề LS ở Việt Nam ra đời với sắc lệnh ngày 25-5-1930 do Toàn quyền Đông Dương ban hành cho phép tổ chức LS đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn, cho phép người quốc tịch Việt Nam được hành nghề LS.

p6_anh-chinh_bai_luat-su_dd.jpg
Các luật sư trao đổi với thân chủ tại một phiên xử. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một cột mốc quan trọng của nghề LS Việt Nam là Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, chỉ 38 ngày sau ngày thành lập nước, tiếp tục cho các LS được hành nghề theo sắc lệnh ngày 25-5-1930, chỉ bỏ một số điểm không còn phù hợp.

Nghề LS Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm cùng với lịch sử đất nước. Sau năm 1954, đã có lúc không có nghề LS và không đào tạo LS trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

p6-anh-phu-ls-truong-trong-nghia-dd-60-4206-6510.jpg
LS Trương Trọng Nghĩa

Sau năm 1975, căn cứ Điều 133 Hiến pháp năm 1980, nghề LS được khôi phục. Pháp lệnh Tổ chức LS ban hành ngày 18-12-1987, nghề LS và tổ chức LS mới được tái sinh trên toàn quốc. Cùng với sự sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1980, 1992 và 2013, sự sửa đổi, bổ sung tương ứng của các bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, các đạo luật về tòa án, VKS, Luật LS được thông qua năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012, đã tạo khung pháp lý vững chắc cho hoạt động nghề nghiệp LS ở Việt Nam, từng bước cập nhật và đồng bộ với các quy định của các quốc gia khác trên thế giới.

Từ vài trăm LS năm 1987, đến nay đã có hơn 18.000 LS đang hoạt động. Ngày càng có nhiều LS Việt Nam tham gia tư vấn các thương vụ quốc tế có chuyên môn rất cao, giá trị rất lớn, tham gia tranh tụng ở các môi trường quốc tế đòi hỏi những kiến thức sâu rộng và kỹ năng cao cấp.

Tuy vậy, sự phát triển này chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Chỉ tính về số lượng, tỉ lệ LS trên 100.000 dân của Việt Nam là 18; trong khi số này ở Trung Quốc là 20, ở Thái Lan là 117, ở Anh là 225…

Cơ hội và thách thức

Ngày 10-10 năm nay là ngày LS Việt Nam lần thứ 10. Nghề LS và đội ngũ LS Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn và thách thức không nhỏ. Việc đào tạo LS ở Việt Nam đang có những bất cập do nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Môi trường hoạt động của LS còn có những hạn chế, trở lực, khó khăn so với quy định của luật pháp. Luật LS từ năm 2012 đến nay đã bộc lộ những nội dung không bắt kịp sự phát triển của nghề LS ở các nước trong khu vực và thế giới, qua đó hạn chế sự vươn tầm của LS Việt Nam.

Để Việt Nam có một nền công lý mạnh

Hoạt động và tổ chức LS phát triển mạnh là một trong những điều kiện thiết yếu để người dân thực hiện các quyền con người và quyền công dân hiến định, như cam kết của nhiều nhà nước, trong đó có Việt Nam.

Hoạt động LS yếu thì không thể có một nền công lý mạnh. Công lý yếu kém thì xã hội không thể có “dân chủ, công bằng, văn minh”, một trong hai mục tiêu cơ bản mà Đảng đã đề ra trong đường lối phát triển đất nước.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Để hoàn thành sứ mệnh “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (Điều 3 Luật LS), nghề LS phải được tổ chức phù hợp với chức năng của nó, đó là hoạt động độc lập trên cơ sở tự quản, trong khuôn khổ pháp luật và sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhờ có độc lập tư pháp mà LS Loseby năm 1930 tại Hong Kong đã đấu tranh mạnh với các quan tòa Anh, lúc đó bị sức ép chính trị rất mạnh của nhà nước Anh và Pháp muốn bỏ tù, thậm chí tử hình Nguyễn Ái Quốc. LS Loseby chỉ ra rằng nếu tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì Nguyễn Ái Quốc phải được trả tự do theo pháp luật của nước Anh. Nhờ độc lập tư pháp, LS Loseby và Nguyễn Ái Quốc đã thắng.

Hơn 18.000 LS Việt Nam đang hằng ngày kiếm sống bằng nghề nghiệp của mình. LS cũng đóng thuế cho Nhà nước và theo một xếp hạng không chính thức, một số công ty luật đóng thuế nhiều hơn cả một số doanh nghiệp có tiếng tăm. Và cũng như mọi ngành, không tránh khỏi một bộ phận LS đặt đồng tiền lên trên danh dự và đạo đức, móc ngoặc với những cán bộ, công chức tha hóa trong hệ thống tư pháp. Những “con sâu” ấy không thể là lý do để áp đặt những biện pháp, quy định mang tính can thiệp, cản trở, hay siết chặt cơ chế tự quản pháp định của hoạt động LS.

Sự tham gia của luật sư góp phần nâng cao năng lực cho kiểm sát viên

p6-anh-box-ong-nguyen-dinh-trung-8928-8393.jpg
Ông Nguyễn Đình Trung

Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, các LS luôn tận tâm, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thân chủ, khách hàng song hành cùng mục tiêu góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Trong các vụ án, sự tham gia của LS sẽ khiến kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ, thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ, chuẩn bị nội dung luận tội, tranh luận, phát biểu ý kiến tại phiên tòa… Từ đó, các kiểm sát viên sẽ ngày càng vững về nghiệp vụ, tự tin và thể hiện tốt văn hóa ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa.

Bên cạnh đó, nhiều LS có trách nhiệm cao trong quá trình tranh tụng, bào chữa trên cơ sở thượng tôn pháp luật, làm rõ sự thật khách quan của vụ án…, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM mong muốn trong thời gian tới các LS tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng nguyên tắc nghề nghiệp và các quy định của pháp luật trong việc phối hợp với các cơ quan tố tụng; tránh những vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM

SONG MAI ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm