Đại chiến lược của Mỹ thay đổi ra sao sau chiến sự ở Ukraine?

(PLO)-  Các chuyên gia cho rằng chiến lược an ninh, chính trị, đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi và cần phải thay đổi sau chiến sự ở Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến sự Nga-Ukraine sẽ thay đổi chiến lược an ninh, chính sách đối ngoại và quan hệ của Mỹ với các đồng minh, đối tác như thế nào khi chỉ hơn một tháng trước đây, Mỹ dường như hoàn toàn tập trung vào Trung Quốc (TQ) và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia bàn về vấn đề này được đăng trên tạp chí Foreign Policy.

Để châu Âu tự quyết an ninh châu Âu

Theo GS Stephen M. Walt, ngành quan hệ quốc tế của ĐH Harvard (Mỹ), sự trỗi dậy của TQ là thách thức lâu dài lớn nhất đối với khả năng của Mỹ trong việc duy trì các cấu trúc quyền lực. Trong tương lai, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không nên để những sự kiện gây chấn động ở châu Âu, như chiến sự ở Ukraine làm lệch hướng nhiệm vụ lớn hơn là xây dựng lại sức mạnh nội tại của mình và cân bằng quyền lực với TQ.

Theo ông Walt, điểm mấu chốt là châu Âu có thể tự mình xử lý mối đe dọa từ Nga trong tương lai.

Lý do thứ nhất là các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn có tiềm năng sức mạnh lớn hơn nhiều so với Nga. Cụ thể, các quốc gia này có tổng dân số cộng lại gấp bốn lần so với Nga và tổng GDP gấp 10 lần Nga. Thậm chí, trước khi xảy ra chiến sự ở Ukraine, các nước NATO này đã chi tiêu quốc phòng nhiều gấp 3 đến 4 lần mỗi năm so với Nga.

Thư hai, dù chiến dịch ở Ukraine đã được Nga lên kế hoạch trước nhiều tháng nhưng vẫn bộc lộ những điểm yếu dai dẳng của quân đội Nga. Với khả năng thực sự của Nga như đã thấy ở Ukraine, sự tự tin của châu Âu về khả năng phòng thủ sẽ tăng lên đáng kể.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2021. Ảnh: AP

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2021. Ảnh: AP

Vì những lý do này, cuộc chiến ở Ukraine là thời điểm lý tưởng để Mỹ điều chỉnh lại chiến lược với các đồng minh châu Âu của mình. Mỹ nên để châu Âu có quyền tự chủ chiến lược, để khu vực này chịu trách nhiệm chính về phòng thủ của mình và tích cực giúp các đồng minh hiện đại hoá lực lượng. Theo ông Walt, Tư lệnh tối cao tiếp theo của NATO phải là một tướng châu Âu và Mỹ nên xem vai trò của mình ở NATO không phải là một chủ thể phản ứng đầu tiên mà là người giải quyết cuối cùng.

Việc chuyển an ninh của châu Âu cho người châu Âu nên được thực hiện dần dần. Tình hình Ukraine vẫn chưa được giải quyết và khả năng phòng thủ của châu Âu không thể khôi phục trong một sớm một chiều. Về lâu dài, Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) cũng nên nỗ lực xây dựng một trật tự an ninh châu Âu bao gồm Nga. Điều này sẽ tăng cường sự ổn định ở châu Âu và tách Moscow khỏi những sự phụ thuộc với TQ.

Duy trì trọng tâm chiến lược ở Trung Quốc

Theo GS Toshihiro Nakayama, chuyên gia chính sách đối ngoại và chính trị Mỹ, nếu nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin là một thách thức lớn trong ngắn hạn, thì TQ sẽ vẫn là mối đe dọa lớn trong trung và dài hạn. Điều quan trọng là làm thế nào để cân bằng cả hai nước. Mặc dù sự chú ý có thể được tập trung vào mục tiêu ở hiện tại nhưng vẫn phải duy trì trọng tâm chiến lược. Mỹ có thể mong đợi những thay đổi lớn ở Nga sau khi ông Putin mãn nhiệm nhưng TQ thì không. Theo ông Nakayama, sự thay đổi về lãnh đạo TQ sẽ không mang lại những sự thay đổi lớn ở nước này và không thể thay đổi được sự thật là TQ đang thu hẹp khoảng cách quyền lực với Mỹ.

Mỹ không có khả năng hoạt động hay sự quan tâm liên tục để có thể cam kết lâu dài, đầy đủ với các đồng minh, đối tác trong việc đối đầu với cả Nga và TQ. Trong trường hợp như vậy, các đồng minh và đối tác của Mỹ trên cả hai mặt trận châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ phải cam kết hợp tác với nhau tích cực hơn và tin tốt là đã có những dấu hiệu về điều này.

Theo ông Robin Niblett, Giám đốc viện nghiên cứu Chatham House (Anh), chính quyền ông Biden đã xoay trục địa chính trị về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau những đình trệ dưới thời chính quyền hai tổng thống tiền nhiệm của ông Barack Obama và ông Donald Trump. Sự xoay trục này đã củng cố các mối quan hệ an ninh của Mỹ với các đồng minh lớn của mình trong khu vực, chính thức hóa chúng ở các mức độ khác nhau, từ quan hệ đối tác bộ tứ kim cương QUAD ít ràng buộc đến hiệp ước ba bên AUKUS cứng rắn hơn để đối phó TQ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố thành lập hiệp ước AUKUS. Ảnh: GETTY

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố thành lập hiệp ước AUKUS. Ảnh: GETTY

Theo ông Niblett, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng đòi hỏi phải có đường lối cứng rắn hơn với TQ. Về điều này, Washington đã hạn chế chuyển giao công nghệ và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vì vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Tuy nhiên, theo ông Nakayama, trước mắt thì sự chú ý của Washington sẽ phải hướng về mặt trận châu Âu, đối đầu với Nga khi nước này nỗ lực thiết lập ảnh hưởng của mình bằng vũ lực. Còn về lâu dài, Mỹ vẫn phải duy trì sự chú ý vào TQ - một đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình.

Thách thức của Mỹ là giữ Nga trong thế bị cô lập

Theo ông Robin Niblett, chiến dịch quân sự Nga đã tiết lộ nhiều điều về tình trạng yếu kém của trật tự an ninh châu Âu khi EU và NATO cố gắng mở rộng về phía đông.

Đối với chính quyền ông Biden, chiến sự ở Ukraine là thời khắc để nhận ra rằng thế giới không chuyển sang một cuộc đối đầu lưỡng cực Trung-Mỹ mà là một cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và bên kia là TQ và Nga. Đẩy TQ vào quỹ đạo trừng phạt của phương Tây cùng với Nga, ngay cả khi vì những lý do không liên quan đã đưa hai cường quốc này xích lại gần nhau hơn và điều này đã thể hiện qua tuyên bố chung của ông Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vào tháng 2 rằng sự ủng hộ của các nước họ dành cho nhau sẽ “không có giới hạn".

Việc cố gắng tách TQ khỏi Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này sẽ là điều không hề dễ dàng. Các mối đe dọa từ những biện pháp trừng phạt thứ cấp chống TQ nếu nước này hỗ trợ kinh tế công khai cho Nga sẽ mang lại những rủi ro đáng kể cho chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ. Thị trường TQ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các nước châu Âu và châu Á, trong khi nền kinh tế Nga không như vậy. Việc tổ chức các liên minh xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương cùng nhau sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu xung đột không chỉ giữa phương Tây và Nga mà giữa phương Tây với liên minh Nga và TQ.

Sẽ có rất ít quốc gia muốn theo Mỹ trở lại một thế giới bị chia rẽ rõ rệt như vậy. Thách thức vẫn là giữ cho Nga trong thế bị cô lập và cho thế giới thấy những gì Nga thực sự đã làm ở Ukraine. Ngoài ra, cần tránh đối đầu với hai cường quốc này nếu có thể để giảm gánh nặng trong chiến lược của Mỹ.

Tăng vai trò của các liên minh và chia sẻ gánh nặng

Nhà nghiên cứu C. Raja Mohan của Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết trong hướng dẫn tạm thời về chiến lược an ninh quốc gia 2021, chính quyền ông Biden chủ yếu tập trung vào TQ, coi nước này là mối đe dọa. Tổng thống Mỹ Biden thậm chí đã liên hệ với người đồng cấp Nga Putin để theo đuổi một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được nhằm cho phép Washington tập trung vào các ưu tiên của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hội trường thành phố Kharkiv ở Ukraine bị Nga pháo kích vào ngày 1-3-2022. Ảnh: AP

Hội trường thành phố Kharkiv ở Ukraine bị Nga pháo kích vào ngày 1-3-2022. Ảnh: AP

Không có gì ngạc nhiên khi việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chiến lược nghiêng về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Liệu Mỹ có đủ nguồn lực chính trị và quân sự để đối phó với những thách thức đồng thời ở cả châu Âu và châu Á? Một số người ở châu Á hiện lo ngại rằng mối đe dọa do Nga gây ra ở châu Âu có thể buộc ông Biden phải hạn chế đối đầu với TQ để tập trung đối phó Nga.

Như Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đã nói, Mỹ đã phát triển một đội hình “năm-bốn-ba-hai” ở châu Á, “từ việc củng cố liên minh Ngũ nhãn đến Bộ tứ QUAD, từ việc kết hợp ba bên liên minh AUKUS đến thắt chặt các liên minh quân sự song phương”. Rõ ràng, mạng lưới đồng minh của Mỹ ở châu Á rất đa dạng, dày dặc.

Nếu các đồng minh châu Âu của Mỹ chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh của mình thì Mỹ sẽ không giảm bớt các mối quan tâm ở châu Á vì lợi ích và ổn định của châu Âu. Trong tương lai gần, các nước châu Á và châu Âu đều không thể tự cân bằng giữa TQ và Nga. Tuy nhiên, bằng cách tự bảo vệ an ninh của chính mình, các nước sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ trong nội bộ Mỹ đối với các cam kết quân sự lâu dài ở hai khu vực.

Bằng cách thúc đẩy vai trò lớn hơn và gia tăng tiếng nói chính trị cho các đồng minh của mình, Washington có thể xây dựng cán cân quyền lực cân bằng lâu dài ở châu Á và châu Âu. Điều này có thể buộc Bắc Kinh và Moscow phải có cách tiếp cận hợp lý hơn với các nước láng giềng và dập tắt niềm tin sẽ chia rẽ được Mỹ và các nước ở các khu vực, đồng thời củng cố mục tiêu lâu dài của đại chiến lược Mỹ là ngăn chặn Nga hoặc TQ giành thế bá chủ của khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm