Đại gia bắt tay hồi sinh giấc mơ ô tô Việt

Ngày 17-6, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức bàn giao hàng trăm ô tô thương hiệu Việt VinFast Fadil. Đây là mẫu ô tô đầu tiên của VinFast đến tay khách hàng. Trước đó ba ngày, VinFast đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất ô tô đặt tại Hải Phòng chỉ sau 21 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng.

Đây là những sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho tham vọng hiện thực hóa giấc mơ ô tô thương hiệu Việt và xa hơn là các thị trường xuất khẩu.

Cú bắt tay giữa các ông lớn

Cách nay gần hai năm, khi VinFast công bố việc sản xuất ô tô và xe máy mang thương hiệu Việt, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Nhưng chính nhờ sự hợp tác, liên kết với đối tác lớn trong và ngoài nước đã tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho ngành ô tô Việt Nam (VN). Và đến hôm qua, những mẫu ô tô Việt chính thức đến tay người mua.

Lãnh đạo Vingroup nhìn nhận lâu nay VN vẫn chưa có một thương hiệu ô tô riêng của người Việt. Ngành ô tô vẫn dừng ở giai đoạn nhập khẩu và lắp ráp với tỉ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp hỗ trợ thô sơ, chi phí cao hơn nhiều nước trong khu vực.

“Không giống với câu chuyện chỉ lắp ráp và nhập khẩu xe về bán, chúng tôi sẽ tự sản xuất ô tô, xe máy điện với thương hiệu riêng. Chúng tôi muốn tự sản xuất ô tô thông qua việc hợp tác với nhiều đại gia ô tô trên thế giới, cũng như tuyển các chuyên gia đầu ngành từ các hãng lớn” - lãnh đạo Vingroup khẳng định.

Không nói suông, tập đoàn này đã ký hợp đồng hợp tác, tư vấn với hàng loạt đối tác hàng đầu thế giới. Ví dụ như bắt tay với ông lớn chuyên về dây chuyền sản xuất, hệ thống xăng Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL (nổi tiếng về động cơ ô tô của Áo), Durr (nổi tiếng về đầu máy và công trình nhà máy của Đức), Henn (Đức); các hãng thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina, Zagato, Design và ItalDesign (Ý).

“Trong quá trình xây dựng nhà máy, đã có hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư đến từ 23 quốc gia tham gia làm việc” - ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Vingroup, chia sẻ.

Không chỉ vậy, Vingroup còn hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất VN để cùng sản xuất và phát triển linh kiện, từng bước đạt được tỉ lệ nội địa hóa 60%. Tiêu biểu như VinFast bắt tay cùng Tập đoàn An Phát với mục tiêu chính là cung cấp phụ tùng, linh kiện nhựa cho việc sản xuất ô tô, xe máy. Nhờ đó, tỉ lệ nội địa hóa của mỗi chiếc ô tô, xe máy của VinFast sẽ được tăng lên, giúp hiện thực hóa giấc mơ xe Việt.

Nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với chiếc xe thương hiệu Việt VinFast Fadil mà mình sắp được sở hữu. Ảnh: THY NHUNG

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) Việt từng nuôi tham vọng tạo nên thương hiệu Việt nhưng bất thành. Đơn cử, thương hiệu Vinaxuki thất bại và gánh khoản nợ hàng ngàn tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng để xây dựng thương hiệu ô tô Việt, trước hết cần phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, ít nhất trên 40%. Tăng tỉ lệ nội địa hóa sẽ giúp giảm giá thành ô tô, tăng khả năng cạnh tranh với xe ngoại nhập.

Ngày 14-6, VinFast chính thức khai trương tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng. Đến ngày 17-6-2019, VinFast chính thức bàn giao 300 chiếc VinFast Fadil quy mô lớn đến tay khách hàng. Trước đó, dòng xe máy điện VinFast Klara đã được ra mắt vào tháng 11-2018. VinFast dự kiến sẽ ra mắt 12 mẫu ô tô các loại và xe máy điện ngay trong năm 2019 và 2020. 

Nói về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Vingroup Võ Quang Huệ cho biết chúng tôi sẽ hết sức để thúc đẩy xây dựng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. “Trên thế giới người ta đã chứng minh là cứ một người làm trong công nghiệp ô tô, trong nhà máy ô tô có thể dẫn đến 7-10 người làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ khác nhau. Đó là một kịch bản rõ ràng, cho nên công nghiệp phụ trợ đang phủ đầy những đề án sẵn sàng triển khai tại khu tổ hợp VinFast” - ông Huệ nói.

Trả lời báo chí, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cũng cho rằng các DN Việt có sự tự trọng, sự khát khao và mong muốn ngành công nghiệp ô tô được duy trì mặc dù không dễ chút nào.

“Nếu không cố gắng tăng cường nội địa hóa trong nước, rất khó có cơ hội giảm giá sản phẩm. Nếu không mở rộng đầu tư, tăng tỉ lệ nội địa hóa thì chắc chắn DN sẽ mất thị trường tại VN và không thể cạnh tranh với các mẫu xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN” - ông Đức nói.

Đồng quan điểm, các chuyên gia kinh tế cho rằng lĩnh vực công nghiệp chế tạo của VN còn kém nên chủ yếu phải nhập khẩu. Do đó, để đẩy mạnh được tỉ lệ nội địa hóa, các công ty Việt cần mạnh dạn hợp tác, liên kết với các DN khác. Nếu chỉ một mình tự làm trong lĩnh vực này thì rất khó có thể thành công.

Bên cạnh đó, các DN cần có chính sách hỗ trợ hợp lý từ Chính phủ. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân VN 2019 mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.

Gạt bỏ các khác biệt để hợp tác

Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong ngành công nghiệp ô tô, VinFast cũng mới là “người lớn đi bên cạnh những gã khổng lồ” sừng sỏ trong ngành, một ngành có tính cạnh tranh rất cao và sự đào thải cũng rất nhanh chóng.

Do đó, DN cần đi lên bằng sức mạnh nội lực của mình. Phải sẵn sàng gạt bỏ các khác biệt để hợp tác, kể cả với đối thủ của mình và phải biết dựa vào những người khổng lồ thì mới có thể thành công.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn VinFast hãy chủ động liên kết và hợp tác với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô VN như Thaco, Thành Công… để tăng sức mạnh cộng hưởng. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu xác lập vị thế vững chắc thị trường trong nước và sớm đưa ngành công nghiệp ô tô VN tiến ra khu vực và toàn cầu. Muốn đi xa hãy cùng đi.

 “Sự phát triển của VinFast không thể tách rời với nền công nghiệp phụ trợ của VN cũng như các tập đoàn ô tô toàn cầu như Toyota, Honda, Hyundai, Mercedes-Benz, BMW… cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn khác như Samsung, LG… Họ đầu tư ở đâu hay làm gì cũng có một hệ sinh thái các nhà cung ứng và liên kết bền chặt đi kèm.” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng muốn VinFast đặt tầm nhìn của mình như một con sếu đầu đàn cho ngành công nghiệp phụ trợ của VN. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới