Phía sau cơn sốt livestream bán hàng - Bài 1

Đại gia, CEO livestream kiếm bộn tiền

(PLO)- Livestream, công cụ bán hàng online đình đám trong các lĩnh vực thời trang, làm đẹp giờ đã mở rộng từ chợ truyền thống tới bất động sản, du lịch, hàng không và tới cả ngành giao thông vận tải.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) đã trở thành công cụ bán hàng đầy hấp lực cho mọi nhà. Hình thức này không chỉ mang lại doanh thu lớn mà còn lan tỏa thương hiệu, mở rộng đối tượng khách hàng. Phía sau nó là những câu chuyện vô cùng hấp dẫn, đầy sáng tạo của những người bán hàng...

Thời trang vẫn là một trong những lĩnh vực ngành hàng tiếp cận với hình thức livestream bán hàng sớm với doanh số bán ấn tượng nhất.

Nhà nhà, ngành ngành livestream

Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Marketing thương hiệu Couple TX, nhãn hàng thời trang lớn với trên 40 cửa hàng trên toàn quốc, cho biết ngoài đẩy mạnh kinh doanh trực tiếp và trực tuyến, mỗi ngày đơn vị này thực hiện livestream đều đặn trên nền tảng TikTok Shop.

“Năm 2023 chúng tôi mở thêm phòng live để tăng độ phủ, lượng khách theo dõi kênh tăng khoảng 20%/tháng, doanh thu, tăng trưởng trung bình 90%-110%/tháng” - ông Hoàng nói.

Ở lĩnh vực thực phẩm, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Food, cho biết nhờ livestream bán hàng, có ngày công ty chốt gần 800 đơn, trị giá 46 triệu đồng. Doanh số trên nền tảng số của công ty có lúc đạt 40%-50%.

Ông Trần Quốc Bảo, phụ trách kênh E2E Tập đoàn Kido, cho biết năm ngoái công ty đã có doanh số bán bánh Trung thu thành công nhờ livestream hướng đúng phân khúc khách hàng.

livestream.jpeg
Livestream bán hàng giúp tăng doanh số, chi phí tiếp thị giảm, qua đó tăng biên lợi nhuận.

Công ty chọn các khu công nghiệp để livestream giới thiệu, chào mời những dòng bánh hấp dẫn. Lên kịch bản chi tiết nội dung trả lời từ các câu hỏi về sản phẩm, giá cho đến thời gian giao hàng. Đơn chốt ào ào.

Những năm trước phải tìm địa điểm, vận chuyển hàng với chi phí tiếp thị cao mà chưa chắc đúng phân khúc khách hàng.

Không chỉ sản phẩm hàng hóa mà cả lĩnh vực hàng không - du lịch cũng không thể đứng nhìn miếng bánh doanh thu khủng từ livestream bán hàng.

Cuối năm 2023, Tugo, một công ty du lịch tại TP.HCM, bắt đầu với phiên livestream đầu tiên cùng các KOL, KOC (người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng).

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực cung ứng giải pháp kinh doanh số, cho rằng yếu tố mang lại sự thành công cho các phiên livestream không chỉ là sự xuất hiện của KOL, KOC mà còn là các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, tính giải trí trong phiên livestream và cả hậu cần xử lý đơn hàng.

Bán hàng qua livestream sẽ tiếp tục là xu hướng dẫn đầu, mang lại nhiều lợi ích cho nhà bán khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, thanh toán online phát triển, chi phí và thời gian giao hàng được rút ngắn.

Ông Đinh Hiếu Nghĩa, Giám đốc marketing, chia sẻ trái với suy nghĩ du lịch không phải là sản phẩm hàng hóa hữu hình nên khó mà bắt đầu với livestream, Tugo sẽ thay đổi định kiến ấy, hướng đến mục tiêu kích cầu du lịch.

Doanh nghiệp hàng không Vietravel Airlines hiện vẫn thực hiện đều đặn các phiên livestream trên Facebook để kết nối, trò chuyện với khách hàng bằng nhiều câu chuyện xoay quanh thị trường hàng không cho tới bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, áo dài Tết cùng các voucher và tour du lịch với mức giá hấp dẫn.

Người người cùng livestream

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Hiền Toyota, mở đầu câu chuyện livestream: “Nhiều người quen không tin tôi - một CEO lại livestream bán hàng trên kênh YouTube, bởi nhân viên của tôi đảm nhiệm việc này”.

“Nhiều khách hàng là Việt kiều biết đến sản phẩm của công ty nhờ vào những lần tôi livestream, sau đó giới thiệu cho người thân ở nhà đến mua. Hay khách hàng Úc về thăm gia đình cũng đến cửa hàng mua xe đi du lịch khắp nước” - bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, công nghệ livestream bán hàng hơn hẳn phương thức kinh doanh truyền thống với doanh số tăng, chi phí tiếp thị giảm, nhờ vậy lợi nhuận cũng tăng.

w-P11-anh2.jpg
Một sản phẩm tốt, một chiến lược hay, một người dẫn dắt sáng tạo sẽ giúp đem lại doanh thu cho công ty, doanh nghiệp. Ảnh: THU HÀ

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Asian Holding, cho biết chính ông và nhân viên đã livestream nhiều phiên để giới thiệu dự án, sản phẩm, giải đáp các thắc mắc về pháp lý bất động sản… Hiện livestream giúp tối ưu độ lan tỏa với chi phí tiết kiệm. Đến nay, dù lượng chốt đơn giao dịch chưa đáng kể nhưng ông Hậu kỳ vọng hiệu ứng sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cho rằng livestream bán hàng có sự tham gia của các nhà lãnh đạo là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan. Bởi nó giúp ích cho doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh người lãnh đạo gần gũi nhưng chuyên nghiệp, qua đó thắt chặt mối quan hệ và tăng niềm tin với khách hàng.

Xu thế bán hàng trong tương lai

Bùng nổ từ các phiên livestream tại sự kiện livestream bán hàng tại chợ Bến Thành, AI livestream (người ảo bán hàng) đang dần được nhiều nhà bán, doanh nghiệp tiếp cận do chi phí đầu tư khá thấp.

Ông Phan Minh Thức, nhà sáng lập thương hiệu Ba Thức Food, đã thực hiện nhiều phiên livestream bằng AI, cho biết doanh thu của mô hình này bằng khoảng 5%-10% so với người thật, do hạn chế về biểu cảm, tương tác cũng như quy định của từng sàn.

“Nhưng dùng 10, 20, 30 hoặc 40 streamer ảo thì sức cộng hưởng cũng khá. Ưu điểm so với người thật là streamer ảo có thể livestream 24/7. Dù sao, đây cũng là phương thức đáng để thử nghiệm” - ông Thức nói.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng xu hướng livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, khách hàng cũng sẽ dồn sự quan tâm, chú ý vào các nhà bán có sức ảnh hưởng, có uy tín, có câu chuyện thú vị với giá trị vật chất nhận được ở mỗi phiên livestream.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hữu Sơn, CEO Công ty Lovin Bot AI, nhìn nhận với hình thức livestream bằng AI, hầu như doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng.

Nên nếu không có điểm khác biệt thì khách hàng sẽ sớm rời bỏ phiên livestream, tìm các doanh nghiệp có hàng hóa uy tín, chất lượng và hiểu khách hàng thay vì tương tác với một AI ảo.

Do đó, một sản phảm tốt, một chiến lược hay, một người dẫn dắt sáng tạo sẽ giúp đem lại doanh thu cho công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, sự khác biệt độc đáo, mang đậm văn hóa doanh nghiệp trong mỗi phiên livestream vẫn là những yếu tố cần chú trọng đầu tư dù là bán hàng với AI hay người thật.

TP.HCM sắp có trung tâm livestream bán hàng bằng người ảo

Dự kiến trung tâm livestream TP.HCM sẽ chính thức hoạt động từ cuối tháng 3-2024, được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ.

Trung tâm livestream TP.HCM dưới sự vận hành của Nova AI Mall giúp các tiểu thương và nhãn hàng kinh doanh truyền thống chuyển sang mô hình kinh doanh hiện đại, tiếp cận những giải pháp bán lẻ mới của tương lai trên nền tảng thương mại điện tử.

Đây là dự án thứ ba trong chuỗi hoạt động thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát động. Tại Việt Nam, một số đơn vị, công ty cũng đã sử dụng người ảo để livestream bán hàng, ví dụ sự kiện mua sắm ở chợ Bến Thành.

Dùng AI để tạo nội dung, kịch bản đa dạng, các phiên live có thể vận hành liên tục 24/7, chi phí đầu tư trên mỗi phiên livestream rẻ hơn 50%-70% so với live bằng người thật.

Số lượng đơn hàng tuy không cao trong một phiên live nhưng với tổng số lượng đơn hàng trung bình trên cùng thời gian live cũng là một con số đáng kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm