Theo dự đoán của Nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Metric.vn, TMĐT sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn với nền kinh tế 2024. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp (DN).
“Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ DN nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi thì những DN trụ lại đều phải có chiến lược bài bản, rõ ràng”- đại diện Metric nói.
Vì thế, Metric đã đưa ra dự đoán về một số xu hướng TMĐT nổi trội nhất trong xu hướng mua sắm tiêu dùng mà DN có thể nắm bắt, từ đó tăng khả năng thu hút khách hàng.
Nhóm khách hàng lớn tuổi chi nhiều tiền hơn cho mua sắm online
Theo Metric, dựa theo nghiên cứu của Meta - công ty mẹ của Facebook, thế hệ Baby Boomers thứ 2, những người sinh trong giai đoạn 1956-1964, đang có xu hướng sử dụng di động và mạng xã hội ngày một nhiều hơn.
Thế hệ Boomers thứ 2 dự kiến sẽ chi nhiều tiền hơn cho mua sắm online. Ảnh minh họa: THU HÀ
Ngay cả trên nền tảng Tiktok - nơi vốn được gắn mác dành cho thanh thiếu niên, cũng chứng kiến sự tăng trưởng chóng mặt của người dùng Boomer II. Năm 2020 chỉ có 7,1% lượng người trên 50 tuổi dùng Tiktok tại Mỹ, tức khoảng 7,1 triệu người. Tới 2023, con số này đã lên tới ~21 triệu người dùng (14%).
Cùng với đó, Boomers thứ 2 lại là nhóm có khả năng chi trả mua sắm online cao nhờ tiền lương hoặc tiền tích lũy.
Chính vì thế, các DN, thương hiệu có thể hướng các sản phẩm tới nhóm khách hàng tiềm năng này trên các kênh trực tuyến thay vì chỉ tập trung vào thế hệ gen Y hay Z như trước đây.
Bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng
Cũng theo đơn vị này, trong năm 2024, DTC - Direct to Consumer - tức xu hướng DN sản xuất sẽ bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần qua nhà phân phối sẽ tiếp tục trở nên phổ biến hơn.
Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên lợi nhuận cao hơn.
Chẳng hạn, nếu áp dụng mô hình trước đây, họ sẽ bỏ ra từ 35%- 40% chi phí trên giá thành sản phẩm dành cho các đại lý. Trong khi đó, nếu đứng ra bán trực tiếp trên sàn TMĐT thì doanh nghiệp chỉ tốn mức phí thấp hơn nhiều, chưa đến 10%.
Khi đó họ sẽ có nguồn kinh phí để cân đối giá bán ra cạnh tranh nhất hoặc đầu tư cho tính năng sản phẩm.
Từ đây, Metric dự báo cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục khốc liệt trên nền tảng TMĐT 2024. Do đó, các nhà sản xuất cần tìm hiểu rõ quy trình vận hành của từng sàn cũng như hướng tiếp cận người tiêu dùng, để có chính sách bán phù hợp, cân bằng mối quan hệ với nhà phân phối.
Tiêu dùng bền vững
Cũng giống các ngành nghề khác, người mua sắm online đang có xu hướng thiện cảm và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của thương hiệu thể hiện được trách nhiệm với môi trường - xã hội. Họ không còn nhất nhất chỉ quan tâm tới giá thấp và khuyến mãi sâu.
Chính vì thế, các DN kinh doanh TMĐT 2024 có thể tạo thêm sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói bền vững, tìm nguồn sản phẩm từ nhà cung cấp có đạo đức...
Ngoài ra, AI, machine learning (học máy) và phân tích Big Data đã đang và sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng TMĐT.
Những công nghệ này đã giúp người dùng có thể nhìn thấy quảng cáo sản phẩm, cập nhật tin tức khuyến mãi, gợi ý sản phẩm dành riêng cho họ trong chớp mắt dựa trên lịch sử tìm kiếm, lịch sử tương tác, xem hàng và mua hàng... Để hiểu sâu về hành vi mua hàng, DN không nên bỏ qua các công cụ trên.