Sáng nay (7-5), tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), các đối tác cùng Đại sứ bảo vệ Gấu - ca sĩ Mỹ Linh đã tổ chức kỉ niệm chặng đường 10 năm nỗ lực chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Ngày Gấu Việt Nam năm nay, ENV cũng công bố kết quả khảo sát hơn 3.000 người tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (thực hiện vào cuối năm 2014) cho thấy tình trạng sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với năm 2009.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cho rằng còn quá sớm để có thể tuyên bố chương trình bảo vệ gấu thành công vì hiện nay cả nước vẫn còn 1.250 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt trong các trang trại.
Gấu nuôi nhốt trong lồng chật hẹp . Ảnh: ENV cung cấp
Riêng tại TP.HCM, hiện có 188 con gấu nuôi hợp pháp, được gắn chip. Thật ra, đăng ký nuôi gấu không đồng nghĩa với việc tai nạn do gấu gây ra được loại trừ. Cũng không có nghĩa cảnh vật gấu ra lấy mật sẽ chấm dứt.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM, cho biết trước đây khi Việt Nam chưa tham gia Tổ chức CITES Quốc tế (Công ước về thương mại Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), tình trạng nuôi động vật hoang dã nói chung, và nuôi gấu nói riêng ở hộ dân trên địa bàn TP HCM khá nhiều.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Tổ chức CITES Việt Nam, cho hay hiện cả nước vẫn còn rất nhiều con gấu nuôi nhốt ở hộ dân.
Vậy gắn chip có ngăn được tình trạng hút mật gấu không? Nói thẳng là không vì chip chỉ quản lý được số lượng gấu mà thôi.
Gấu bị trích lấy mật .Ảnh: ENV cung cấp
Các cán bộ kiểm lâm cho biết phát hiện và bắt quả tang các vụ hút mật gấu ở hộ dân là rất khó do những nơi này đều kín cổng cao tường, việc hút mật lại thường tổ chức lén lút vào ban đêm vv...
Người viết từng vào một số gia đình nuôi gấu ở TP HCM, Bình Dương... quả thật đây là những nơi rất khó thâm nhập, gấu nuôi chẳng khác gì “tử tù”. Hình ảnh con gấu ngựa to lớn đứng trong chuồng xi măng kín mít, chật chội, ánh mắt vô vọng nhìn ra bên ngoài luôn ám ảnh người chứng kiến.
Ông Cương tâm sự từng chứng kiến nhiều người nuôi khỉ, nuôi vượn rơi nước mắt khi phải bàn giao chúng cho cơ quan cứu hộ nhưng chưa thấy ai mủi lòng khi bàn giao một con gấu. Có thể nói, mục đích nuôi gấu hầu hết là để lấy mật, chứ ít ai coi đó như là thú cưng.
Hiện cả nước có khoảng bảy Trung tâm cứu hộ gấu, tổng số gấu đã tiếp nhận trên 200 con. Trong đó, có không ít con gấu được bàn giao từ hộ dân trong tình trạng sức khỏe suy kiệt vì bị hút mật quá nhiều.
Dù được nuôi trong điều kiện bán hoang dã nhưng thời gian qua vẫn chưa có con gấu nào ở Trung tâm cứu hộ có thể phục hồi bản năng hoàn toàn để có thể thả về tự nhiên.
Điều này lại càng khiến người ta thêm đau lòng khi nghĩ đến cảnh ngộ của những con gấu đang sống trong những khu chuồng chật hẹp, trong những ngôi nhà cổng kín, tường cao.