Ngày 24-7, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam vừa có buổi làm việc với Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng về kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh vào hệ thống siêu thị MM Mega Market.
Tại buổi làm việc, 10 nhà cung ứng hàng nông sản, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu với công ty MM Mega Market Việt Nam về đặc trưng, thế mạnh, năng lực cung ứng…
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc thu mua toàn quốc MM Mega Market, cho biết DN có 20 trung tâm trên toàn quốc và các trạm trung chuyển Đà Lạt, Cần Thơ… để thu mua hàng hóa nông sản của nông dân, hợp tác xã trên cả nước.
Trạm trung chuyển tại Đà Lạt đang mua nhiều nông sản thực phẩm từ nông dân, trong đó có những tổ hợp nông dân gắn bó hàng chục năm.
“Hiện nay công ty có nhu cầu mua sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) qua sự kết nối của Bộ Công thương. Chúng tôi đã đến làm việc với Sở công thương các tỉnh làm sao thu mua nhiều hàng hoá, giúp đỡ người nông dân nhiều hơn” - ông Hùng nói.
Nông sản Đà Lạt có nhiều tiềm năng để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu
Theo ông Hùng, bên cạnh việc mua hàng hóa để bán cho các nhà hàng, khách sạn, tiêu thụ thị trường nội địa, công ty còn có hoạt động xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore, Maylaysia và hướng đến các thị trường xa đối với nông sản Việt Nam.
Đại diện MM Mega Market cho biết qua buổi kết nối cho thấy nhiều nông sản tỉnh Lâm Đồng rất tiềm năng để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại cũng như xuất khẩu. Trong đó, có mặt hàng sầu riêng, xà lách, bơ 034, phúc bồn tử, đương quy có tiềm năng lớn để hợp tác xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
“Chúng tôi đang xem xét hợp tác để xuất khẩu trái bơ 034 sang Singapore, Malaysia, Hồng Kông và Trung Đông. Đối với hàng rau củ, trái cây của những hộ nông dân, hợp tác xã đang liên kết, chúng tôi sẽ xem xét về việc đáp ứng nhu cầu, chất lượng, sản lượng… để hợp tác” - đại diện MM Mega Market nói.
Năm 2019, MM Mega Market đã thu mua, xuất khẩu sang các thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia… 1.200 tấn các mặt hàng nông sản gồm khoai lang, ớt chuông, củ dền, ớt hiểm, chanh, thuỷ hải sản....
Những tháng đầu năm 2020, lượng hàng xuất khẩu đã tăng gấp bốn, năm lần so với năm 2019. Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt, năm nay công ty còn mở thêm các thị trường mới. Sắp tới mặt hàng xà lách sẽ được thúc đẩy xuất khẩu đến thị trường Hồng Kông
Theo bà Lê Việt Nga, thực hiện chỉ đạo của Bộ về khôi phục ngành công thương trong giai đoạn bình thường mới sau dịch COVID-19, một nội dung quan trọng là đưa hàng OCOP vào hệ thống phân phối, đẩy mạnh tuyên truyền cho sản phẩm này để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Hôm nay, lãnh đạo Bộ đã kí văn bản gửi UBND 63 tỉnh thành về việc hỗ trợ kết nối, đưa hàng OCOP vào hệ thống MM Mega Market cùng một số hệ thống khác.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị MM Mega Market chuẩn bị một chương trình lớn là triển khai bán hàng OCOP đạt chứng nhận từ ba đến năm sao, dự kiến bán tại 20 hệ thống trên toàn quốc vào quý IV.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. |