Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chăn nuôi không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, với tổng đàn heo trên 30 triệu con, Việt Nam đang đứng thứ 5 về tổng đàn, đứng thứ 6 về sản lượng trên thế giới.
Nuôi heo trong nhà cao tầng
Mới đây, một đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi heo là Công ty nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã bắt tay hợp tác với Tập đoàn Muyuan, một công ty Trung Quốc có chuỗi chăn nuôi heo hoàn chỉnh bao gồm chế biến thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi đến thương phẩm.
Đáng chú ý, nhà sản xuất heo hàng đầu tại Trung Quốc này còn được biết đến công nghệ nuôi heo trong nhà cao tầng, hoàn toàn tự động hoá với khả năng kiểm soát dịch bệnh và tạo ra sản lượng heo rất lớn. Năm 2023, Muyuan đã cung cấp gần 64 triệu con heo ra thị trường, đứng đầu thế giới.
Ông Trương Sỹ Bá, Tổng giám đốc BAF cũng không giấu tham vọng cuộc hợp tác với Muyuan nhằm tiếp nhận các thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình vận hành trong toàn chuỗi chăn nuôi để đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Trong đó mục tiêu quan trọng nhất là công nghệ chuồng trại nhiều tầng.
Theo ông Cao Đồng, Giám đốc tài chính Tập đoàn Muyuan, nuôi heo trong nhà cao tầng đã được áp dụng từ lâu tại Trung Quốc. Một chuồng trại gồm 6 tầng, trong đó tầng 5 và 6 được dùng để nuôi heo nái; tầng 3 và 4 dành cho heo mới đẻ và heo cai sữa; 2 tầng dưới cùng là nuôi heo thịt.
Nuôi heo trong nhà cao tầng còn áp dụng công nghệ xử lý khí thải, như luồng gió được tính toán để đẩy đúng lượng cần vào trong. Sau đó, bên trong trại sẽ tích lũy lại khí để đưa qua hệ thống khác xử lý, sau đó sát khuẩn đến chuẩn nhất định mới đưa ra ngoài. Điều này sẽ giúp quản lý an toàn sinh học một cách tối đa và tránh dịch bệnh lan truyền ra ngoài.
BAF cũng có đặc điểm tương tự Muyuan là sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong chăn nuôi heo.
Thực tế, BAF đã từng đặt mục tiêu đưa sản lượng chăn nuôi heo lên số lượng lớn cả chục triệu con heo thành phẩm nhưng những lo ngại về kiểm soát dịch bệnh khiến ông lớn này “chùn tay”.
Tuy nhiên, ông Trương Sỹ Bá giờ đây tự tin hơn với mục tiêu này vì áp dụng công nghệ chuồng trại mới theo cách Muyuan sẽ cho phép nâng mục tiêu lên 10 triệu heo thương phẩm vào 2030.
Những bước đi vững chắc
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết, tại Trung Quốc, nuôi heo trong nhà cao tầng để giải quyết vấn đề thiếu đất đai, theo hướng áp dụng công nghệ cao, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn, thức ăn được vận chuyển trên băng chuyền lên tầng trên cùng, sau đó sẽ tự động phân phối thức ăn xuống các tầng bên dưới thông qua các máng ăn tự động và chuyển chính xác dinh dưỡng và định lượng cho mỗi con heo theo từng giai đoạn phát triển, cân nặng.
Tại đây, có hệ thống điều hòa không khí giúp duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định trong chuồng trại, tạo môi trường sống lý tưởng cho heo. Ánh sáng được điều chỉnh theo chu kỳ ngày đêm, giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của heo, tăng cường sức khỏe và khả năng sinh sản.
"Để thực thi được các vấn đề này, đòi hỏi sự kết hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, camera giám sát, các cảm biến hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu rõ ràng sẽ rất lớn.
Nếu nhìn về năng lực của BAF có thể thấy đơn vị này có thể đủ nguồn lực tài chính kết hợp với sự chuyển giao công nghệ từ đối tác hoàn toàn có thể thực thi nuôi heo trong tòa nhà cao tầng” – ông Phương nhận định.
Nhiều đại gia Việt trong ngành heo cũng đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến, máy móc tự động, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào chăn nuôi. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu nguồn lực, mà còn đảm bảo an toàn sinh học và môi trường theo những tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco cho biết, công ty đang áp dụng nhiều công nghệ trong việc chăn nuôi heo như hệ thống cho ăn tự động giúp hiệu quả quá trình sản xuất kinh doanh và tối ưu hoá chi phí. Hay hệ thống camera giám sát giúp theo dõi hoạt động của đàn heo, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Ngoài ra, các cá thể heo được gắn chip và quản lý thông qua phần mềm nhằm kiểm soát chặt chẽ từ sức khoẻ, hiệu suất sinh sản, dinh dưỡng cho đến lịch tiêm phòng.
“Bằng việc áp dụng công nghệ 4.0, chúng tôi không chỉ tăng cường hiệu quả và tiết kiệm chi phí, mà còn đảm bảo mức độ an toàn và chất lượng sản phẩm cuối cùng” – ông So cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho biết, hiện các doanh nghiệp đang áp dụng khá nhiều công nghệ trong chăn nuôi heo. Chẳng hạn, ứng dụng Internet vạn vật (IoT) với các thiết bị trong trang trại được kết nối với nhau thông qua internet, giúp người chăn nuôi theo dõi và điều khiển mọi hoạt động từ xa.
Thậm chí trong tương lai gần hơn có thể đưa trí tuệ nhân tạo vào chăn nuôi heo để phân tích dữ liệu lớn, dự đoán bệnh tật, tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có thế mạnh áp dụng các kỹ thuật nhân giống hiện đại như thụ tinh nhân tạo, chuyển phôi để tạo ra các giống heo có năng suất cao, chất lượng thịt tốt, sức đề kháng cao.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư lớn vào các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế và quy mô trang trại, cũng như sự sẵn sàng đội ngũ kỹ thuật có đủ năng lực để vận hành và bảo trì hệ thống.
Để thực thi được công nghệ hiện đại vào chăn nuôi heo một cách thông minh, bền vững và có năng suất hơn cũng rất cần đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, công nghệ, đào tạo.
Nâng cao giá trị gia tăng
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam đã được thế giới biết đến về năng lực sản xuất chăn nuôi, trong đó có ngành chăn nuôi heo. Lĩnh vực này đang được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển công nghệ cao và phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng như thế giới, hiện nay đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tình trạng kháng kháng sinh, đặc biệt vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.
Vì vậy, để phát triển chăn nuôi bền vững cần dựa trên 4 khía cạnh: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi động vật.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành ba kế hoạch triển khai thực hiện gồm: Đề án phát triển công nghiệp giống vật nuôi đến năm 2030; Kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Kế hoạch phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030.
Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, thì đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực” – ông Đăng cho biết.
Thời điểm vàng của ngành chăn nuôi
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp vẫn tiếp tục được Nhà nước quan tâm và thực hiện. Chính phủ vừa thông qua Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 1-8-2024 quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi.
Ngày 29-8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2972/QĐ-BNN-CN về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực chăn nuôi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, trong đó các thủ tục hành chính ban hành trong quyết định này được ban hành tại Nghị định số 106/2024/NĐ-CP.
Đây là căn cứ pháp lý tạo điều kiện phát triển chăn nuôi nước ta trong thời gian tới. Cùng với đó, nguồn tư liệu bổ sung rất lớn cho sản xuất chăn nuôi là 8 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1-8-2024).
Như vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng.
Nguồn lực từ 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược, từ nghị định chính sách và tư liệu sản xuất là đất đai đã sẵn sàng. Đây là thời điểm và cơ hội vàng để chuyển đổi ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững hơn.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi