Chiều nay (25-9), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2004, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cuộc đối thoại chính sách với các bộ ban ngành và chính quyền địa phương TP.HCM.
Đây là cuộc trao đổi cởi mở, để cho doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương chia sẻ những đổi mới và các vướng mắc nhằm hoàn thiện hơn tiến trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh gắn liền chuyển đổi số,...
Cuộc cách mạng công nghiệp TP.HCM sẽ giúp thành phố đạt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thành phố kỳ vọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỉ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để đạt mục tiêu này rất cần sự quyết tâm cao của của chính quyền địa phương, đầu tư nguồn lực lớn và chính sách phải hoàn thiện, trong đó quyết sách trung ương có quyết định thành công cho chuyển đổi công nghiệp.
Trong diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời trực diện các câu hỏi đặt ra từ hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, để hướng đến mục tiêu công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ luôn xem phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là quốc sách hàng đầu. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những cơ chế chính sách để tạo ra những đột phá lớn trong việc chuyển đổi kinh tế hướng đến đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế xanh...
"Tôi đề nghị các ban ngành phải tham mưu, rà soát các quy định hiện hành để hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp phát triển. Những quy định không phù hợp sẽ được điều chỉnh kịp thời.
Nhà nước sẽ thành lập các quỹ đầu tư phục vụ cho chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cũng cần lưu ý, phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa phải dựa vào tiềm năng, lợi thế phù hợp với điều kiện của quốc gia và bám sát xu thế của thế giới" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, để phát triển công nghiệp cần có sự hài hòa, phối kết hợp giữa trung ương và địa phương.
Trung ương làm chính sách, đường lối, cơ chế, luật pháp cũng như chương trình và kế hoạch. Địa phương phải chủ động thực hiện theo cơ chế chính sách mà trung ương đã đưa ra trên tinh thần chủ động, sáng tạo và phù hợp với điều kiện của mình.
Theo Thủ tướng, chỉ có đột phá về mặt thể chế, phân cấp phân quyền cho địa phương, hạ tầng phải hoàn thiện, thủ tục hành chính thông thoáng, con người quản lý phải thông minh mới đem lại nhiều lợi thế tốt nhất để giải quyết các bài toán chuyển đổi công nghiệp, thúc đẩy hiệu quả tiến trình xây dựng và phát triển thành phố.
Thủ tướng cho biết tiếp tục nỗ lực xây dựng hạ tầng số để tạo nên hệ sinh thái giúp các doanh nghiệp kết nối tốt hơn và bao quát hơn trong sản xuất và quản lý chuỗi cung
ứng. Con đường của phát triển công nghiệp hiện đại hóa cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng từ giao thông, chống biến đổi khí hậu, cho đến hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa...
Thủ tướng cũng khẳng định, chủ đề của diễn đàn lần này khá lớn về chuyển đổi công nghiệp để tìm các cơ hội, tiềm năng và phát triển và lợi thế cạnh tranh của thành phố.
Diễn đàn là cầu nối tuyệt vời giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp với các chuyên gia, là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác, hỗ trợ nhau trong chuyển đổi công nghiệp vì sự phát triển nền công nghiệp hiện đại của thành phố nói riêng, cả nước nói chung trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính phủ sẽ cùng đồng hành để TP.HCM trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục.