Từ cuối tuần trước tới nay, nhiều độc giả đã phản ánh về việc khó mua xăng dầu, do các đại lý đóng cửa hoặc bán hàng cầm chừng. Khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương cho thấy, hiện tượng đóng cửa găm hàng không phổ biến, nhưng có dấu hiệu căng thẳng về nguồn cung ứng cho các đại lý.
Hiện tượng đóng cửa đã diễn ra tại một số cây xăng. Ảnh: TPO
Chủ một đại lý xăng dầu lớn trên đường Giải phóng (Hà Nội) cho biết trong 2 ngày cuối tuần qua, đã có buổi phải nghỉ bán do hết hàng. Hầu hết các đại lý lớn nhỏ khác đều cho biết nguồn cung xăng dầu kể từ sau Tết đến nay hết sức khó khăn. Trước đó, theo khảo sát của Báo Tiền phong, một số cây xăng ở ngoại thành Hà Nội, trên các tuyến quốc lộ đi Bắc Ninh, Hưng Yên, tình trạng “nghỉ bán” vì nhiều lý do.
Nhân viên một cây xăng khu vực Ba Đình (Hà Nội) cho biết suốt tuần nay rất khó nhận hàng mới, bên cung ứng ép giao số lượng nhỏ giọt.
"Nhưng vì là cây xăng của nhà nước, chúng tôi không được phép ngừng bán. Những cửa hàng ở vùng ven của tư nhân hiện chỉ bán cầm chừng", nhân viên này nói.
Trao đổi với PV, Phó giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tại Hà Nội cho biết trong hơn một tuần nay, doanh nghiệp này chỉ đủ nguồn hàng để cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ trực thuộc, chứ không thể chia sẻ cho các đại lý nhỏ như trước đây. “95% lượng xăng dầu của chúng tôi phục vụ bán lẻ. Tạm thời các cửa hàng này vẫn hoạt động bình thường nhưng đều trong tình trạng ăn đong. Nhiều khi một xe téc phải đi cấp cho 2 - 3 cửa hàng”, đại diện này cho biết.
Một doanh nghiệp xăng dầu tư nhân có nhiều đại lý bán lẻ tại tỉnh Bắc Giang cho biết tạm thời nguồn cung vẫn chưa bị đứt. “Mỗi cây xăng bên tôi vẫn được cấp 3 khối trong vòng 10 ngày. Như vậy là đủ bán lẻ”, doanh nghiệp này cho biết.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất đối với các đại lý ở thời điểm này là chi hoa hồng, hiện phổ biến ở mức trên dưới 200 đồng, trong khi chi phí định mức trong cách tính giá xăng dầu cơ sở là 600 đồng. “Chi phí vận chuyển thường hơn 100 đồng cho mỗi lít. Nếu một xe cấp cho nhiều đại lý thì thì chi phí còn cao hơn. Như vậy, phần còn lại sao có thể trang trải được chi phí”, một chủ doanh nghiệp than thở.
Tình trạng tương tự cũng được tại TP HCM, khi hiện tượng cây xăng đóng cửa, hay trưng bảng hết xăng không phổ biến. Tuy nhiên hầu hết các chủ kinh doanh đều “kêu” hoa hồng thấp. "Hôm thứ 6 tuần trước tôi lấy hàng thì hoa hồng cho xăng chỉ còn 285 đồng, dầu thì được 335 đồng một lít. Nếu trừ 100 đồng phí vận chuyển thì chỉ còn 185 đồng cho một lít xăng thử hỏi như vậy sao có thể kinh doanh chứ chưa nói đến lời", một chủ cây xăng trên quốc lộ 22 cho biết.
Theo chủ xây xăng này, mỗi ngày họ bán được 8.000 lít xăng và hiện nay các doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ cho lấy đủ định mức chứ không hơn như trước, các cây xăng muốn mua tích trữ cũng không được.
"Chúng tôi có hỏi hoa hồng thấp vậy sao bán được thì đầu mối trả lời là họ cũng đang lỗ nên phải san sẻ gánh nặng chờ xăng tăng giá. Thông thường thì hoa hồng phải 250-350 đồng mỗi lít xăng mới đủ huề vốn", chủ cây xăng tiếp tục phân tích.
Tương tự, một trạm xăng gần bến xe miền Tây, quận 6 cũng khẳng định hiện hoa hồng đầu mối dành cho mình chỉ đang là 250 đồng mỗi lít xăng, con số này đã được áp dụng gần chục ngày nay. Cụ thể, từ trước Tết thì đầu mối còn bỏ 400-450 đồng, từ sau Tết thì chỉ toàn dưới 250 đồng. "Vẫn phải bán chứ, ráng lắt lẻo qua ngày, chỉ khi hoa hồng 700-800 đồng thì cây xăng mới có thể lời và sống được", chủ trạm xăng chia sẻ.
Căng thẳng trên thị trường xăng dầu thực tế đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới leo thang, nhưng giá bán trong nước hiện vẫn neo ở mức 23.150 đồng một lít từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, để bình ổn thị trường trong dịp Tết, cơ quan quản lý đã nhiều lần sử dụng công cụ, như tăng trích quỹ bình ổn giá, yêu cầu doanh nghiệp giảm chi phí… để giữ giá xăng.
Đến sau Tết, nhiều đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu cho biết họ đang lỗ 1.000 - 1.800 đồng trên mỗi lít xăng bán ra, nhưng vẫn chưa dám đề xuất tăng giá, do thời điểm nhạy cảm. Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, cơ quan quản lý đang nghiên cứu phương án điều hành giá xăng dầu trong điều kiện hiện nay. Nhiều phương án đã được đưa ra để cân nhắc, trong đó tình tới cả việc giảm thuế, tiếp tục trích quỹ bình ổn và tăng giá ở mức độ hợp lý.
Theo Nhật Minh - Kiên Cường (VNE)