Đại sứ Guido Hildner: Rất nhiều công việc chờ Đức và Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Đại sứ Guido Hildner: Rất nhiều công việc chờ Đức và Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

(PLO)- Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner nói rằng việc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một nhiệm vụ đầy thử thách và Đức sẽ hợp tác với Việt Nam để vượt qua những thách thức đó.

Ngày 11-10, Việt Nam và 14 quốc gia, trong đó có Đức, đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đảm nhận vị trí này vừa là niềm vinh dự và vừa là thách thức cho cả Việt Nam và Đức.

Phóng viên báoPháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner về sự kiện này, cũng như khả năng hợp tác để giải quyết những khó khăn khi cùng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

. Phóng viên: Vừa qua, vào ngày 11-10 tại trụ sở LHQ (TP New York, Mỹ), Đại Hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia - trong đó có Việt Nam và Đức - vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Với tư cách là một công dân Đức và là đại diện cao nhất về ngoại giao tại Việt Nam, ông có cảm xúc thế nào về sự kiện này?

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner
Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner

+ Đại sứ Guido Hildner (ảnh): Việc được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là trách nhiệm vô cùng lớn. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các quốc gia thành viên LHQ rằng các nước được bầu chọn vào Hội đồng này sẽ kiên quyết cam kết bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Nhiệm vụ cao cả này đòi hỏi sự dũng cảm và quyết tâm của các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Các thành viên trong Hội đồng được kỳ vọng là gương mẫu trong việc bảo vệ nhân quyền trong nước để dẫn dắt các quốc gia khác trong vấn đề này.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner nói rằng việc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một nhiệm vụ đầy thử thách và Đức sẽ hợp tác với Việt Nam để vượt qua những thách thức đó.

. Thưa Đại sứ, khi ứng cử vị trí thành viên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ lần này, Đức đã đưa ra những ưu tiên hay cam kết gì về vấn đề bảo vệ nhân quyền? Theo ông, Đức nên làm gì để đạt được những mục tiêu này?

Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Đức sẽ cam kết với Hội đồng Nhân quyền LHQ như chúng tôi đã làm trong bốn nhiệm kỳ trước. Chúng tôi sẽ làm việc không mệt mỏi với tất cả các bên liên quan bao gồm các cá nhân, tổ chức phi chính phủ để tìm ra điểm chung.

- Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner -

+ Trong nhiệm kỳ lần này, chúng tôi cam kết hỗ trợ các biện pháp hiệu quả để đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với các vi phạm nhân quyền, bao gồm bạo lực tình dục và giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia chống bạo lực tình dục phát sinh từ các cuộc xung đột, chẳng hạn bằng cách hỗ trợ công tác giải trình của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR), các cơ chế điều tra quốc tế và các cơ quan hữu quan khác ở Ukraine.

Các ưu tiên khác bao gồm quyền, nguồn lực và sự đại diện của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, cũng như mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy quyền có một môi trường lành mạnh, sạch đẹp và bền vững như một quyền của con người.

Phái đoàn Việt Nam dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ
Phái đoàn Việt Nam dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

. Theo Đại sứ, với tư cách là các thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam và Đức có thể hợp tác như thế nào để mỗi nước có thể thực hiện được các cam kết của mình, cùng hoàn thành các sứ mệnh tại Hội đồng trong nhiệm kỳ tới, cũng như thúc đẩy nhân quyền trên thế giới?

+ Các quốc gia thành viên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ chịu trách nhiệm về quyền con người trên thế giới. Đây là những nước bảo vệ những nguyên tắc cơ bản về quyền con người vốn được ghi nhận trong Hiến chương LHQ. Việc được bầu vào Hội đồng không phải vấn đề về lợi ích và vị thế quốc gia mà là thách thức mà các nước này phải vượt qua.

Với ý nghĩa này, Đức muốn hợp tác với Việt Nam để cùng vượt qua các thách thức đó. Có nhiều vấn đề mang tính cấu trúc nhưng cũng có nhiều tình huống cụ thể của mỗi đất nước mà cần có sự cam kết của các thành viên.

Về các chủ đề hợp tác, hai bên có thể hợp tác nhiều lĩnh vực từ phát triển bền vững, bình đẳng giới, chống bạo lực giới cho đến tự do ngôn luận, tôn giáo. Chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã bao gồm đầy đủ các vấn đề nhân quyền ở từng quốc gia.

Có rất nhiều công việc đang chờ đợi Việt Nam và Đức.

. Xin cám ơn Đại sứ.

Đọc thêm