Việt Nam ngày càng chủ động và nỗ lực tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Việt Nam ngày càng chủ động và nỗ lực tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

(PLO)- Sự kiện Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh dấu vị thế đang lên của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trong nỗ lực đảm bảo các quyền con người trong nước.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải đã có những chia sẻ sâu hơn quanh sự kiện này, đặc biệt về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được giữa hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (lần 1 là nhiệm kỳ 2014 – 2016, lần 2 là nhiệm kỳ 2023 – 2025).

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải, sự kiện Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh dấu vị thế đang lên của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trong nỗ lực đảm bảo các quyền con người trong nước.

Ngày càng chủ động

. Phóng viên: Thưa bà, việc lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ có ý nghĩa như thế nào với đất nước ta cũng như với những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo nhân quyền trong nước?

PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải. Ảnh nhân vật cung cấp
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải. Ảnh nhân vật cung cấp

+ PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải (ảnh): Đây là sự kiện mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, nó thể hiện được nỗ lực rõ ràng và vị trí vững chắc của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, cụ thể là trên lĩnh vực quyền con người. Việt Nam nhận thức được là vấn đề hội nhập quốc tế không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, mà còn bao gồm cả lĩnh vực chính trị và pháp lý.

Thứ hai, sự kiện này đánh dấu quá trình phát triển của Việt Nam về quyền con người, ngày càng chủ động đóng góp, xây dựng về vấn đề này trong quan hệ quốc tế.

. Việt Nam trong quãng thời gian giữa hai lần đắc cử đã đạt những thành tựu nào đáng kể hay đã cải thiện được những bất cập nào trong nỗ lực đảm bảo quyền con người?

+ Từ lần tham gia ứng cử đầu tiên vào năm 2013 đến năm nay, nỗ lực đảm bảo quyền con người Việt Nam đã trải qua những thay đổi tương đối rõ rệt. Môi trường trong nước về quyền con người được cải thiện và dần trở nên cởi mở hơn, cũng như được thể hiện rõ ràng hơn trong chủ trương, quan điểm chính thức của Đảng và và pháp luật của nhà nước.

Theo tôi, đây là những bệ phóng quan trọng, là nền tảng để giúp Việt Nam tự tin hơn trong vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ hay bất cứ diễn đàn quốc tế nào khác về quyền con người.

Tôi đánh giá là lộ trình tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ lần này của Việt Nam được các cơ quan ngoại giao triển khai tương đối rõ ràng, chủ động và bài bản.

- PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải -

Cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện cam kết, nhiệm vụ

. Trong một phát biểu ngày 11-10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định thông điệp của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là “tôn trọng lẫn nhau; đối thoại và hợp tác; đảm bảo mọi quyền con người cho tất cả mọi người”. Ông cũng làm rõ các ưu tiên của Việt Nam khi vào Hội đồng là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp tục đề xuất Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, đóng góp cho nỗ lực của Hội đồng trong lĩnh vực quyền được chăm sóc sức khỏe,... đánh giá như thế nào về những cam kết này?

+ Thông điệp của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đặt ra về cơ bản là phù hợp mục tiêu, sứ mệnh cũng như cách thức vận hành của cơ chế nhân quyền LHQ nói riêng và của cộng đồng quốc tế nói chung. Theo đó, Hội đồng Nhân quyền LHQ là một diễn đàn đa phương với đại diện của nhiều quốc gia cùng thảo luận về những nội dung liên quan tới quyền con người trên tình thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.

Đoàn Việt Nam tại phiên họp bầu ra 14 thành viên của Hội đồng nhân quyền hôm 11-10. Ảnh: PHÁI ĐOÀN VIỆT NAM TẠI LHQ
Đoàn Việt Nam tại phiên họp bầu ra 14 thành viên của Hội đồng nhân quyền hôm 11-10. Ảnh: PHÁI ĐOÀN VIỆT NAM TẠI LHQ

Về những chủ đề mà Việt Nam đã chọn - như bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đây là những mục tiêu mà Việt Nam khi chính thức hoạt động với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ đưa ra những sáng kiến hoặc những hoạt động để thúc đẩy ba chủ đề này.

Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong những chủ đề này mà sẽ còn có thể có thêm những sáng kiến, hoạt động khác ở để đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở cấp độ quốc tế.

. Theo bà, Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực như thế nào để thực hiện được các cam kết nói trên của mình, cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ tới?

+ Cũng giống như các quốc gia thành viên khác của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam cần phải hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định được LHQ giao phó. Đây là một cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế cũng như khẳng định thiện chí và cam kết của nhà nước Việt Nam đối với nỗ lực đảm bảo quyền con người trong nước và trên toàn cầu.

Do vậy, để là một thành viên tốt thì Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc đưa ra các sáng kiến để giải quyết những thách thức mang tính quốc tế về quyền con người.

Một thành viên của LHQ bỏ phiếu trong phiên họp ngày 11-10. Ảnh: UN JOURNAL
Một thành viên của LHQ bỏ phiếu trong phiên họp ngày 11-10. Ảnh: UN JOURNAL

Ví dụ, chúng ta có thể chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, hoặc chủ động trong việc thúc đẩy hoạt động giáo dục về quyền con người.

Chúng ta cũng có thể tham gia nghiên cứu về quyền con người áp dụng cho các quốc gia thành viên LHQ, song song với việc tham gia tích cực vào các diễn đàn đối thoại quốc tế như đã đề cập nói trên.

Việt Nam cũng cần hỗ trợ vào nỗ lực ngăn ngừa những vi phạm quyền con người, đặc biệt là những vi phạm mang tính chất nghiêm trọng đang xảy ra trên thế giới. Đồng thời, chúng ta nên chú ý tạo dựng hợp tác với với các chính phủ nước khác, với các cái tổ chức xã hội khác trên toàn thế giới trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

. Xin cảm ơn chuyên gia.

Đọc thêm