Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Qatar trong các ngày từ 30-10 đến 1-11, Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp đã trả lời phỏng vấn của phóng viên tại Trung Đông-Bắc Phi về ý nghĩa chuyến thăm, các thế mạnh trong lĩnh vực hợp tác cũng như cách thức tăng cường quan hệ song phương.
Đặt trọng tâm vào tăng cường hợp tác toàn diện, sâu rộng
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp, chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Qatar sau 15 năm (từ năm 2009) và 12 năm sau chuyến thăm cấp cao của Quốc vương Qatar tới Việt Nam (năm 2012).
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính lựa chọn Qatar là điểm đến trong chuyến thăm Vùng Vịnh lần này là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và tích cực thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025".
“Chuyến thăm lần này cho thấy Việt Nam đánh giá cao tiềm lực và vai trò của Qatar tại khu vực Trung Đông và trong thế giới Ả Rập, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Qatar và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Qatar đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn” - Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp nhấn mạnh.
Chuyến thăm Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt trọng tâm vào việc tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng trên các lĩnh vực, thông qua việc đánh giá đúng tiềm năng và vị thế của Qatar hiện nay, tranh thủ một cách hiệu quả vai trò của Hoàng gia Qatar và tận dụng các cơ hội hợp tác đang nổi lên giữa hai nước.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp, chuyến thăm được kỳ vọng góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ song phương, đặc biệt là thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường Qatar và khu vực.
Lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ trao đổi các biện pháp về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, năng lượng, hàng không, nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực...; đồng thời, trao đổi các biện pháp và hình thức để đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
Với ý nghĩa đó, trong chuyến thăm này, ngoài hội đàm với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có các cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo cấp cao Qatar, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành phụ trách kinh tế và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Qatar.
Việt Nam - Qatar có thể tăng cường hợp tác trên hàng loạt các lĩnh vực
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp, Việt Nam - Qatar đang có nhiều cơ hội, tiềm năng và lợi ích trong tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương vì sự thịnh vượng của người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi khu vực. Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp cho rằng Việt Nam và Qatar hiện nay có thể tập trung vào làm sâu sắc quan hệ song phương ở một số lĩnh vực mũi nhọn.
Thứ nhất, năng lượng và năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực chủ chốt. Với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, tiềm lực tài chính và công nghệ, Qatar có thể hợp tác cùng Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ và phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Thứ hai, lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia cũng có nhiều tiềm năng để thúc đẩy trong thời gian tới. Việt Nam với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, môi trường đầu tư hấp dẫn, cùng với các chính sách mở cửa, có thể là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Qatar trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Việt Nam hiện nằm trong top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, top 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) liên quan đến 60 nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, là điểm đến đầu tư được ưa thích hàng đầu trong số các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á. Việt Nam đã sẵn sàng và có đầy đủ tiềm năng để trở thành đối tác quan trọng của Qatar.
Thứ ba, Halal cũng là một hướng hợp tác tiềm năng. Hai nước đều đang có mục tiêu xây dựng ngành Halal trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Điều này được thể hiện thông qua việc Việt Nam đã ban hành chiến lược về tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030; Qatar cũng ban hành chương trình Sinh kế Halal nhằm đưa Qatar trở thành trung tâm về công nghiệp Halal trên toàn cầu trong thời gian tới.
Thứ tư là lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ để nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của cả hai bên.
Thứ năm là hợp tác du lịch và văn hóa. Hai nước có sự đa dạng về văn hóa và đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các sự kiện giao lưu, xúc tiến du lịch để tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai dân tộc...