Tờ The Times of India ngày 1-8 đưa tin Đại sứ O’Farrell những ngày qua đã có một cuộc “khẩu chiến” trên mạng Twitter với Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông về vấn đề Biển Đông cũng như căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong bài viết đăng trên Twitter ngày 31-7, ông O’Farrell đã nhắc nhở ông Tôn rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là phán quyết “cuối cùng” và “có tính ràng buộc” theo luật quốc tế.
“Tôi hy vọng phía ngài (Trung Quốc) tuân thủ phán quyết trọng tài về Biển Đông năm 2016 vốn là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc theo luật quốc tế, cũng như kiềm chế những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng” – ông viết trên Twitter.
Đại sứ Úc tại Ấn Độ Barry O’Farrell. Ảnh: THE HINDU
Phán quyết của Tòa án tại The Hague (Hà Lan) đã xác định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và cái mà Bắc Kinh gọi là “đường chín đoạn” là không có cơ sở pháp lý.
Bài tweet của ông O’Farrell là nhằm phản hồi bài tweet trước đó của ông Tôn phản đối những phát ngôn ngày 30-7 của Đại sứ Úc, coi những điều ông này nói là không đúng sự thật.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 30-7, Đại sứ O’Farrell lên án những hành động của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Ấn Độ mà ông cho rằng chỉ làm “gia tăng căng thẳng và rủi ro bất ổn”.
Nhưng ông bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông. Nhà ngoại giao Úc cho biết Canberra "lo ngại sâu sắc" về những hành động của Trung Quốc ở vùng biển này, vốn “đang gây bất ổn và có thể khiến căng thẳng leo thang”.
Ông nhắc lại rằng chính phủ Úc hôm 23-7 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để bác bỏ những yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng những yêu sách đó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Mỹ hồi tháng trước chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh Mỹ sẽ sát cánh với những quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây khẳng định Washington sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông hòng ngăn chặn mưu đồ của Bắc Kinh biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của riêng mình.