'Philippines không thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, Mỹ'

Bất chấp những diễn biến mới ở Biển Đông và tâm lý hoài nghi gia tăng trong dân chúng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ không thay đổi chính sách của mình với Trung Quốc, báo South China Morning Post (SCMP) phân tích.

Theo SCMP, trong nhiều năm liền, ông Duterte đã đánh đổi quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ để hợp tác gần gũi hơn với Trung Quốc. Có vẻ cách tiếp cận này vẫn được tiếp tục dù cho Manila đã tuyên bố hoãn việc hủy bỏ Thoả thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) giữa Philippines và Mỹ. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trình bày Thông điệp Quốc gia ngày 27-7. Ảnh: PHILIPPINES PRESIDENTIAL PHOTOS

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2022 có thể sẽ là một bước ngoặc mới trong quan hệ giữa Manila với Washington và Bắc Kinh.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cần Philippines

Mỹ cần sự hỗ trợ của Philippines và các đối tác quan trọng khác ở Đông Nam Á để chống lại tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, việc duy trì quan hệ với Manila cũng có tầm quan trọng tương tự đối với Bắc Kinh.

Giữa tháng 7, Mỹ đã thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông và ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực The Hague trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Bắc Kinh phản đối lập trường của Mỹ, gọi tuyên bố trên của ông Pompeo là một hành động "cố tình kích động tranh chấp lãnh thổ và hàng hải" và lặp lại rằng Trung Quốc không chấp nhận pháp quyết của Tòa Trọng tài thường trực.

Về lĩnh vực thương mại, SCMP cho rằng Bắc Kinh muốn giành ưu thế trên bàn đàm pháp Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) bằng cách giành lợi thế trên mặt trận kinh tế trước các quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc thúc đẩy các dự án đầu tư ở Philippines trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Trong năm 2019, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Manila.

Trong khi đó, quan hệ Philippines-Mỹ nổi bật hơn trên khía cạnh quân sự. Hai nước đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung từ năm 1951 và Manila cho quân đội Mỹ thuê căn cứ hải quân tại vịnh Subic và căn cứ không quân trên đảo Luzon từ năm 1992.

VFA được ký kết năm 1998 và chính thức có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận này đưa ra các quy định liên quan đến hoạt động của quân đội Mỹ ở Philippines, trong đó có các cuộc tập trận không quân và hải quân chung.

Ngày 11-2, Tổng thống Duterte chính thức kích hoạt quá trình hủy bỏ VFA với lý do phản đối việc Mỹ thu hồi thị thực của một đồng minh thân cận của ông chủ điện Malacanang.

Tuy nhiên, vào ngày 2-6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố ông Duterte đã yêu cầu hoãn quá trình này lại do "Biển Đông gần đây xuất hiện nhiều diễn biến chính trị và quân sự mới". 

Chuyên gia: Trung Quốc lo ngại Philippines sẽ lại chọn Mỹ

Chuyên gia phân tích quân sự Derek Grossman thuộc trung tâm phân tích chính sách Rand Corporation (có trụ sở tại Washington, Mỹ) nói rằng có vẻ Bắc Kinh ngày càng lo ngại về nguy cơ Philippines sẽ chọn Mỹ một lần nữa để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc. 

Chuyên gia phân tích quân sự Derek Grossman thuộc trung tâm phân tích chính sách Rand Corporation. Ảnh: TWITTER

Dù vậy, ông Grossman cho rằng Tổng thống Duterte là một người "chống Mỹ cực đoan" và luôn tìm cách đa dạng hóa chính sách an ninh và đối ngoại của Manila để thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Washington.

Trong Thông điệp Quốc gia hôm 27-7, ông Duterte nói rằng Philippines "không phải người chịu ơn, cũng không phải là quân cờ của bất kỳ bên nào" ở Biển Đông.

 Ông Duterte nhấn mạnh lý do đơn giản cho việc Trung Quốc có mặt trên các thực thể trên Biển Đông (bao gồm một số thực thể tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Philippines đưa ra yêu sách và Trung Quốc chiếm đóng trái phép) là "Trung Quốc có vũ khí" còn Philipiines thì không.

"Tuyên bố (hôm 27-7 - PV) của ông Duterte có vẻ như đã được tính toán về mặt thời gian để dội một gáo nước lạnh vào suy nghĩ rằng Philippines một lần nữa vui vẻ làm đồng minh của Mỹ" - ông Grossman nhận định.

Trong khi đó, người dân Philippines nghĩ khác. Ông Grossman lưu ý rằng từ lâu, nhiều người dân Philippines đã có tâm lý ủng hộ Mỹ và gần đây quan điểm của họ đã "càng gay gắt hơn" với Trung Quốc vì các vấn đề như dịch COVID-19, các yêu sách ở Biển Đông hay sự hoài nghi về các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và con đường.

Đồng ý với ông Grossman, chuyên gia an ninh quốc tế Jeffrey Ordaniel thuộc Đại học Quốc tế Tokyo (Nhật) nhận định rằng Bắc Kinh sẽ cảm thấy lo lắng mỗi khi Philippines và Mỹ tăng cường các cam kết song phương của hai nước này.

Dù vậy, tổng thống đương nhiệm của Philippines lại không có thiện cảm với Mỹ.

"Chính sách của Philippines ở Biển Đông được xác định chủ yếu bởi mối quan tâm thiển cận của ông Duterte, biểu hiện bằng tâm lý chống Mỹ ăn sâu trong suy nghĩ và cái nhìn thiện chí với Trung Quốc" - ông Ordaniel nói.

Tuy nhiên, ông Ordaniel lưu ý rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 ở Philippines sẽ rất quan trọng cho Trung Quốc và Mỹ và "nhiều người đang kỳ vọng hoặc mong chờ Philippines một lần nữa liên minh với Mỹ". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm