Hãng Reuters đưa tin các bộ trưởng Thương mại tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định tự do thương mại được đánh giá là lớn nhất, quan trọng nhất thế kỷ 21 đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm các rào cản thuế quan, thiết lập các tiêu chuẩn chung cho 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam - quốc gia được đánh giá là có lợi nhiều nhất.
Lãnh đạo đàm phán của các nước thành viên đã sẵn sàng tuyên bố kết quả đàm phán vào sáng thứ Hai (5-10, giờ địa phương) tại Atlanta (Mỹ).
Hiệp định TPP thành công sẽ góp phần định hình lại các nền công nghiệp, cũng như ảnh hưởng lên tất cả mọi thứ, kể cả giá cả phô mai hay chi phí điều trị bệnh ung thư tại tất cả quốc gia thành viên.
Các bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán tại Atlanta. Ảnh: REUTERS
Các nước thành viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia TPP chiếm đến 40% GDP của thế giới. TPP thành công đánh dấu bước đi lịch sử, một "di sản" dưới thời Tổng thống Obama nếu TPP được Quốc hội Mỹ (và một số nước khác) thông qua trong thời gian tới.
Vòng đàm phán cuối cùng của TPP diễn ra tại Atlanta (Mỹ) từ hôm 30-9, tập trung giải quyết vấn đề thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm (sinh dược). Sau thời gian căng thẳng và quyết tâm, Mỹ-Úc (hai quốc gia có vai trò lớn trong đàm phán vấn đề này) cuối cùng cũng thông qua thỏa thuận song phương, sau đó một số quốc gia còn lại cũng đồng thuận.
Đàm phán TPP cho đến nay vẫn còn là vấn đề đầy tranh cãi vì ảnh hưởng đến nhiều nhóm lợi ích của một số quốc gia, điển hình như các nhóm lợi ích ô tô tại Mexico hay các trang trại bò sữa tại Canada.
Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: VNEXPRESS
Mặc dù lộ trình cắt giảm thuế rất phức tạp, diễn ra trên hàng trăm mặt hàng nhập khẩu, từ thịt heo đến thịt bò ở Nhật Bản hay lĩnh vực ô tô tại Mỹ, tuy nhiên vấn đề quyết định TPP cho đến phút cuối chính là thời hạn độc quyền dược phẩm. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích các quốc gia, mà còn khả năng tiếp cận y tế của người nghèo vốn bị các tổ chức phi chính phủ cảnh báo.
Trước đó, tại phiên họp tại Hawaii (Mỹ) cuối tháng 7-2015, các bộ trưởng Thương mại đã không thể đạt thỏa thuận về TPP dù nhiều vấn đề cốt lõi đã được giải quyết. Các vấn đề còn vướng mắc là thuế nhập khẩu sữa và phụ tùng ô tô, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm.
Đó là lý do phiên họp tại Atlanta lần này rất được kỳ vọng sẽ hoàn tất TPP. Sau bốn ngày họp (từ ngày 26 đến 29-9) của các trưởng đoàn đàm phán, bộ trưởng Thương mại các nước tiếp tục họp bàn từ ngày 30-9. Các cuộc nói chuyện dự kiến kết thúc vào ngày 1-10, tuy nhiên sau đó được hoãn lại và kéo dài bởi chưa đạt kết quả và các bộ trưởng thể hiện quyết tâm không ra về nếu không ký được TPP.
Hiệp định TPP ban đầu được ký với bốn thành viên gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore năm 2005. Khi Mỹ, Úc và Peru lần lượt gia nhập sau đó, việc đàm phán mới chính thức khởi động năm 2010. Đến nay, số nước tham gia đàm phán TPP đã lên 12, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, các nước tham gia đóng góp 40% GDP toàn cầu. Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Nội dung đàm phán TPP rất rộng, bao phủ nhiều lĩnh vực. Số chương trong hiệp định liên tục được nâng lên và hiện là 30. Theo Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR), không chỉ đề cập đến các vấn đề thương mại, đầu tư, TPP còn đặt ra quy định về lao động, môi trường, công ty quốc doanh và cả minh bạch - tham nhũng. |