LTS: Sau khi đăng bài “Để lòng dân - ý Đảng gặp nhau” (Pháp Luật TP.HCM ngày 26-1), chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp để củng cố mối quan hệ mang tính sống còn này. Pháp Luật TP.HCM xin trích đăng ý kiến của TS Hồ Bá Thâm (chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), người có nhiều côngtrình nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng.
Muốn củng cố, xây dựng niềm tin của dân vào Đảng bền vững hơn nữa, giải pháp then chốt là Đảng phải tin dân, tin một cách “thật thà như cách mà Bác Hồ đã chỉ dạy. Đồng thời tựa chắc vào dân và thực hiện dân chủ thực sự, nhất là dân chủ trực tiếp, như Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã ghi nhận.
Đối thoại với dân để hiểu dân
Để thực hiện được điều đó, bài học gần dân, sống trong dân, tất cả vì lợi ích của dân cần phải nằm lòng trong ứng xử của từng cán bộ, đảng viên hằng ngày. Cái quan trọng ở đây là anh phải xem nó như sự tồn tại của mình chứ không phải là phương tiện để anh củng cố địa vị của mình.
Trên tinh thần đó, Đảng phải thực hiện thường xuyên cơ chế đối thoại với nhân dân và đối thoại một cách bình đẳng (có thể xuống cơ sở trực tiếp đối thoại, đối thoại qua các cơ quan truyền thông…) chứ không phải đối thoại theo kiểu một chiều từ dưới báo lên. Vì có đối thoại trực tiếp với dân mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Còn nếu chỉ trông chờ vào báo cáo lên thì nội dung báo cáo ấy đã qua nhiều tầng khúc xạ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (phải) bắt tay chúc mừng ông Lê Văn Lâm (quận 12) sau khi vụ khiếu nại đất đai kéo dài gần 10 năm của ông Lâm được giải quyết xong. Ảnh: CTV
Gần đây tôi thấy có một số bí thư khi có vấn đề nóng, các vị này đều ra mặt đối thoại với dân như bí thư Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) đối thoại với dân về các nội dung như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ô nhiễm môi trường, làm đường giao thông, dự án thu hồi đất rồi bỏ hoang, cải cách hành chính... Sau buổi đối thoại, ông bí thư huyện này chia sẻ ngay: “Qua đối thoại thấy nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”. Một tấm gương trước đó như ông Nguyễn Bá Thanh hồi còn làm bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân (trong bồi thường giải phóng mặt bằng, những người đàn ông bạo lực gia đình, những người hoàn lương…) để tìm hiểu tâm tư, những vướng mắc cần tháo gỡ và sẵn sàng tháo gỡ ngay cho bà con. Ông Nguyễn Bá Thanh sống trong lòng dân Đà Nẵng là vì thế. Hay như thời ông Võ Văn Thưởng lúc còn làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông cũng thường xuống trực tiếp dưới cơ sở để đối thoại với dân.
Rõ ràng những cách làm như thế sẽ làm cho dân hiểu Đảng và Đảng hiểu dân hơn. Từ sự lắng nghe nhau mới thông hiểu được, như thế mới tạo sự đồng thuận và đoàn kết.
Bên cạnh đó thực hiện dân chủ trực tiếp cũng có nghĩa là tạo ra các cơ chế để dân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình, chẳng hạn như gần đây Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đề cập đến việc người dân phải được bầu trực tiếp chủ tịch phường. Ở đây Đảng phải tự tin vào sự lựa chọn của dân, họ chính là người sáng suốt nhất để cho ra người lãnh đạo trực tiếp địa phương mình.
Quyết liệt xử lý những bức xúc của dân
Một vấn đề rất lớn hiện nay mà Đảng phải vào cuộc xử lý là giải quyết các bức xúc “nóng” của xã hội, tránh để những bức xúc của dân kéo dài, rất nguy hiểm. Vừa rồi ở TP.HCM có một khiếu nại kéo dài 10 năm, người dân viết thư lên tận bí thư Thành ủy TP.HCM nhờ giải quyết. Và chỉ 30 phút làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã giải quyết xong vụ khiếu nại. Điều này, một mặt cho thấy sự nắm bắt lòng dân trực tiếp sẽ giúp Đảng xử lý nhanh những bức xúc của bà con, đồng thời chứng tỏ những người giải quyết khiếu nại ở cấp dưới có vấn đề.
Không chỉ có ông Bí thư Thành ủy TP.HCM, mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong thời gian qua cũng thường trực tiếp xuống dưới cơ sở để giải quyết và những việc ông nói đi đôi với làm chứ không phải hứa suông. Ông Đinh La Thăng ra tay để tạo ra sự đột phá, tạo nên sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Những việc làm như thế trong bối cảnh trì trệ, tiêu cực như hiện nay được nhân dân hoan nghênh và tin tưởng.
▲▲▲
Bác Hồ nói chế độ ta là chế độ dân chủ, tức dân làm chủ; dân là gốc, dân sinh ra Đảng, Đảng ta là Đảng vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Đảng phải thật sự tin dân, dân chủ thật sự trong Đảng và trong dân. Vấn đề là có thể chế phù hợp. Nói thật - làm thật.
TS HỒ BÁ THÂM
Hiện nay bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, chất lượng công chức cũng có vấn đề, cán bộ đảng viên sa sút đạo đức lối sống. Điều này Đảng đã nhận diện trong Nghị quyết Trung ương 4 về “một bộ phận không nhỏ…” rồi. Vấn đề còn lại là dân chờ Đảng hành động một cách mạnh mẽ, có quyết liệt cắt bỏ các vết “ung nhọt” trên cơ thể mình để bảo vệ sự trong sạch vốn có của Đảng. Cùng đó, Đảng phải mạnh dạn đổi mới thể chế, mô hình tổ chức để giảm bộ máy hiện đang quá cồng kềnh. |