Dân lo vụ KDC Sông Đà bị bán cho 'xã hội đen'

Chiều 6-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 7 đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Thủ Đức trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV.

Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 7 đoàn ĐBQH TP.HCM tiếp xúc với cử tri quận Thủ Đức trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại buổi tiếp xúc, rất nhiều cử tri nhắc đến vụ việc 300 hộ dân tại dự án khu dân cư Sông Đà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đã 12 năm nay chưa được cấp sổ hồng.

Đây là dự án được cơ quan chức năng phê duyệt vào năm 2001 cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau này đổi tên thành Công ty Đại Hải) làm chủ đầu tư.

Cử tri Trần Thị Xuyến bày tỏ sự bất an khi nhắc về việc đã mua đất, cất nhà 20 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Đến giờ thì chủ đầu tư đã bán qua tay rất nhiều người, rồi bán cho xã hội đen.

Cử tri Trần Thị Xuyến bày tỏ sự bấn an khi chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: THANH TUYỀN

Cử tri Xuyến nói thêm, không chỉ cá nhân bà mà hàng trăm hộ dân khác đang rất lo lắng vì ngân hàng có thể phát mãi tài sản, nhà ở bất cứ lúc nào.

“Đất cũng bất an mà nhà ở cũng bất an. Mong lãnh đạo các cấp, đại biểu quốc hội lưu tâm hơn nữa đến các hộ dân đang sống ở đây. Đất chúng tôi mua mà giờ hỏi đến thì bảo đứng tên của người khác” -  cử tri Xuyến nói.

Cử tri Nguyễn Văn Khoa cũng nhắc đến nỗi lo ngân hàng sẽ phát mãi nhà, đất của 300 hộ dân nơi này. Ông nói thêm rằng, người dân cũng đang rất trông chờ vào động thái xử lý của các cấp, sở, ban ngành nhưng mọi chuyện vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

“Bà con vẫn không biết nguồn gốc đất của mình đang nằm ở đâu. Từ tháng 9-2019 đến nay bà con liên tục phản ánh đến các nơi, nộp đơn cho Phòng Cảnh sát kinh tế nhưng vẫn chưa thấy xử lý thêm” - ông Khoa nói.

Cử tri Nguyễn Văn Khoa cũng nhắc lại, vào tháng 6, trong cuộc giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM về công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp, ông Ngô Phạm Việt, Trưởng phòng 3 - phòng thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về kinh tế, chức vụ, tham nhũng VKSND TP.HCM đã trả lời rằng, PC03 đã họp đánh giá tiền tố tụng để dẫn đến khởi tố nhanh nhất. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có quyết định khởi tố.

Theo cử tri Nguyễn Khoa, một hộ dân đang ‘mắc kẹt’ trong dự án: “Người dân chúng tôi đã quá mù mịt, chờ đợi. Xin đoàn ĐBQH nói rõ chúng tôi nên đi đâu, làm gì tiếp theo để có kết quả sớm nhất về vụ việc?”.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết quận hiểu được sự bức xúc, nóng ruột của bà con. Những vấn đề chưa được giải quyết, chậm giải quyết thì quận vẫn có đề nghị nhanh chóng giải quyết cho bà con.

Chia sẻ với cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM nói rằng vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc trước, cử tri vẫn liên tục phản ánh.

Sau buổi hôm nay, đoàn ĐBQH sẽ chuyển tải tâm tư của cử tri đến Giám đốc Công an TP. Đồng thời, sẽ tìm hiểu thêm quá trình thực hiện của phòng PC03 đang ở bước nào, tiến trình nào và có báo cáo cho cử tri.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM nhấn mạnh đến an dân trong công tác khiếu nại, tố cáo. Ảnh: THANH TUYỀN

Từ đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an dân trong công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

“Nếu chúng ta để khẩu hiệu là "Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình" mà lòng dân không yên, vẫn liên tục khiếu kiện, khiếu nại thì cần xem xét lại việc giải quyết sự an dân là như thế nào. Hãy lấy sự hài lòng của dân làm thước đo đánh giá sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cán bộ, để xem chúng ta đã toàn tâm toàn ý hay chưa” - ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng nói thêm, sự phản ánh của cử tri cũng chính là sự gửi gắm để làm sao TP ngày càng phát triển, không chỉ xanh, sạch, đẹp mà vấn đề an dân cũng hết sức quan trọng.

KDC Hiệp Bình Chánh bị bán cho xã hội đen
KDC Hiệp Bình Chánh bị bán cho xã hội đen
(PL)- 300 hộ dân tại dự án khu dân cư Sông Đà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã 12 năm nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm