Theo hồ sơ, gia đình ông Trần Văn Túc và hàng xóm là bà Nguyễn Thị Hoa có mâu thuẫn từ trước. Năm 2011, bà Hoa cho một người thuê phòng trọ trên lầu một nhà mình. Người thuê nhà này thường xuyên rửa tay và đổ nước ra cửa sổ làm rơi xuống mái nhà của ông Túc.
Vì sáu phụ nữ đánh nhau
Khoảng 21 giờ ngày 5-1-2015, thấy người thuê nhà của bà Hoa lại đổ nước lên mái nhà ông Túc nên ba phụ nữ (gồm con và cháu ông Túc) sang nhà bà Hoa để nói chuyện. Cuối cùng xô xát xảy ra giữa sáu phụ nữ, một bên là con, cháu của ông Túc, bên kia là con, cháu của bà Hoa.
Lúc này ba người đàn ông (trong đó có Lê Quang Tuấn) nhìn thấy sự việc nên vào can ngăn. Hai bên dừng lại không đánh nhau nữa. Sau đó, ông Túc lớn tiếng chửi và thách thức khiến Tuấn tức giận dùng khuỷu tay đánh một cái trúng vào mặt ông Túc. Ông Túc ngã xuống, bất tỉnh và được gia đình đưa đi cấp cứu. Nhận được tin báo, công an đến hiện trường nhưng không thu giữ được vật chứng và không có nhân chứng trực tiếp nhìn thấy các đối tượng sử dụng hung khí khi đánh nhau.
Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y Sở Y tế TP.HCM kết luận ông Túc bị chấn thương ở đầu, vỡ sọ trán phải, vỡ bờ trên hố mắt phải, gãy xương chính mũi, tụ máu trong não thùy trán phải, gãy vỡ xương và tổn thương não thùy trán phải… Các thương tích này do vật tày tác động gây ra. Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 52%.
Ngày 8-10-2015, Tuấn bị bắt tạm giam để điều tra. Tuấn khai mình chỉ tình cờ đi ngang và nhìn thấy hai bên đánh nhau. Do có quen biết với người nhà của bà Hoa nên Tuấn vào can ngăn. Phía nhà bà Hoa cũng thống nhất ý kiến với Tuấn về tình tiết này.
Trong khi đó, ông Túc cùng các con, cháu của ông khai nhìn thấy con gái bà Hoa gọi điện thoại. 10 phút sau thì ba người đàn ông (trong đó có Tuấn) xuất hiện, dùng bình xịt hơi cay và cây dũ ba khúc đánh ông Túc. Trong khi hai người đàn ông còn lại khai rằng mình chỉ tình cờ nhìn thấy, vào can ngăn chứ không tham gia đánh ai.
Cáo trạng của VKSND quận Bình Thạnh, TP.HCM truy tố Tuấn về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù).
Bị hại Trần Văn Túc trình bày sự việc. Ảnh: L.TRINH
Nhà mạng không trả lời
Đầu năm 2017, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm vụ án, nhận định ngoài lời khai của ông Túc và các con cho rằng Tuấn đã dùng cây dũ ba khúc để đánh thì không có chứng cứ nào khác để chứng minh. Bị cáo Tuấn không thừa nhận mình đã dùng hung khí để đánh ông Túc. Kết luận giám định pháp y xác định các vết thương do vật tày gây ra nhưng tại một văn bản khác, cơ quan giám định chỉ xác định: “Cây dũ ba khúc có thể gây ra được các thương tích này”. Vì thế theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, HĐXX nhận định không có cơ sở xác định Tuấn đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho ông Túc.
Phía người bị hại đề nghị hoãn phiên tòa để dựng lại hiện trường và xác định các cuộc gọi điện thoại của bị cáo tại thời điểm xảy ra vụ việc để làm rõ có yếu tố đồng phạm hay không.
HĐXX nhất trí với đề nghị của đại diện VKS, cho rằng vụ án đã được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hai lần, cũng đề nghị làm rõ hai nội dung trên. Quá trình điều tra bổ sung CQĐT đã tiếp xúc với bị hại để thông báo về việc thực nghiệm điều tra. Nhưng bị hại yêu cầu phải có mặt tất cả người liên quan và cho bị can dùng cây mô hình đánh ông thì ông mới đồng ý thực nghiệm. Xét yêu cầu này là không có căn cứ, không đảm bảo sức khỏe cho bị hại nên CQĐT không tiến hành.
Ngoài ra, CQĐT cũng đã có hai công văn gửi Tổng Công ty Viettel và Tổng Công ty Viễn thông Mobifone để xác định nội dung của các cuộc gọi giữa bị cáo và những người liên quan trong thời gian xảy ra vụ án nhưng đến nay chưa được trả lời. Do vậy, không có cơ sở xác định việc có người đã gọi điện thoại rủ rê Tuấn đánh người. Không đủ căn cứ xác định vai trò đồng phạm của những người liên quan nên không xử lý.
Đối với sáu phụ nữ do chỉ đánh nhau bằng tay, khi được can ngăn thì hai bên đã dừng lại nên cũng không bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Từ những nhận định trên, HĐXX đã tuyên phạt Tuấn ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Sau phiên xử ông Túc đã kháng cáo bản án đề nghị tòa phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tránh sót người lọt tội. Ông cho rằng mình bị một người đàn ông đi chung với Tuấn xịt hơi cay vào mặt. Tiếp đó, Tuấn cầm cầy dũ ba khúc lao vào đánh ông trước sự chứng kiến của nhiều người dân trong hẻm...
Sửa bản án do tính sai án phí Về dân sự, ông Túc yêu cầu bị cáo Tuấn bồi thường nhiều khoản tổng cộng hơn 280 triệu đồng. Tại tòa, HĐXX tuyên buộc Tuấn bồi thường cho bị hại hơn 40 triệu đồng. Nhưng sau đó tòa phải ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án do có sai sót về án phí. Cụ thể, tòa buộc bị cáo phải bồi thường cho ông Túc do tổn thất về tinh thần là 30 tháng lương nhân với mức lương tối thiểu. Nhưng thay vì nhân thành số tiền 36.300.000 đồng thì tòa lại tính ra số tiền 3.630.000 đồng. Vì thế tòa đã sửa chữa bản án nâng số tiền bị cáo phải bồi thường từ hơn 40 triệu đồng lên 73 triệu đồng. Kèm theo đó là án phí và các khoản khác cũng được sửa lại cho tương ứng với số tiền bồi thường. |