Xổ số kiến thiết không chỉ là trò chơi may rủi, nó vừa ích nước, vừa lợi nhà, đồng thời mang lại công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân. Vì vậy, đề xuất đánh thuế lũy tiến đối với phần thu nhập từ trúng xổ số (trúng giải càng cao, thuế suất càng lớn) nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định thuế suất đối với thu nhập từ trúng thưởng là 10%. Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng. Tức là dù trúng 11 triệu hay 1 tỉ đồng thì thuế suất vẫn là 10%.
Người dân mua xổ số tại một đại lý trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TRÍ MINH |
Còn theo đề xuất mới thì định hướng sẽ là xây dựng một biểu thuế với các bậc thuế mà ở đó, trúng giải thấp (thu nhập thấp) sẽ chịu thuế suất thấp, trúng giải cao (thu nhập cao) thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.
Khoan hãy bàn tới mức thuế suất cụ thể bao nhiêu là phù hợp, vì nó còn phải được thực hiện dựa trên rất nhiều đánh giá như việc phân tích định lượng về mức thu nhập cụ thể của từng nhóm người trong xã hội. Ở đây chúng ta nói về định hướng sửa đổi việc thu thuế, từ một mức thuế suất chung sang đánh thuế theo lũy tiến.
Bản chất của thuế thu nhập cá nhân là đánh vào thu nhập, có nghĩa là chỉ cần có thu nhập ở một “mức sàn” nào đó thì người có thu nhập phải đóng thuế.
Xu hướng các quốc gia lớn trên thế giới là đánh thuế lũy tiến rất cao, có nghĩa là thu nhập càng cao thì đóng thuế càng nhiều; tức nhóm đối tượng sử dụng nguồn lực xã hội nhiều thì phải có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn (đóng thuế cao hơn). Và đặc điểm chung của những quốc gia này là có sự phân hóa giàu nghèo cực kỳ rõ rệt. Ví dụ ở Mỹ, người trúng xổ số ngoài chịu thuế liên bang với thuế suất lên tới 24%-37% thì có thể còn phải chịu thuế tiểu bang tùy vào quy định cụ thể của mỗi bang, chẳng hạn ở bang New York thuế suất là 10,9%, Maine là 7,15%.
Tại Việt Nam, sự phân hóa giàu nghèo cũng đang ngày một rõ. Lấy ví dụ về giá bất động sản, giá nhà càng ngày càng tăng khiến cho người giàu càng giàu thêm, người nghèo thì khó có cơ hội mua nhà. Vì vậy, việc thu thuế đối với người có thu nhập cao (trong đó có đối tượng là người giàu) nhiều hơn là xu hướng tất yếu mà Việt Nam đang hướng tới.
Trong mối tương quan đó, xét việc tăng thuế đối với thu nhập trúng thưởng xổ số cũng là phù hợp thông lệ quốc tế. Quan trọng nhất là việc tăng thuế với phần thu nhập cao hơn từ trúng xổ số không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn hướng đến việc không gây nên tác động tiêu cực đối với xã hội.
Tiền trúng xổ số xét cho cùng thuộc dạng may rủi, việc đánh thuế cao ít gây tác động tâm lý như đánh thuế thu nhập các khoản khác. Ví dụ như tiền lương - khoản thu nhập cố định, thường xuyên, lương cao đóng thuế nhiều có thể có tác động phần nào tới tâm lý của người có thu nhập - nhất là với đối tượng có thu nhập “chỉ hơi cao” chứ chưa thật sự cao lắm. Nhưng trúng số nhiều đóng thuế cao thì ngược lại, người dân ít có tâm lý so đo, vì ai cũng nghĩ đây là khoản thu nhập “từ trên trời rơi xuống”, được bao nhiêu thì - sau khi trừ thuế - sẽ hưởng bấy nhiêu.
Ở ta, đối tượng mua vé số thì có nhiều, từ người nghèo mỗi ngày cố gắng dành ra hai, ba chục ngàn đồng mua vài tờ để cầu may đến người có điều kiện vẫn thỉnh thoảng mua để vừa giúp người bán, vừa “lỡ có trúng thì càng tốt”. Nói chung, với tâm lý mua vé số như đã nói, cho dù có tăng thuế với tiền trúng xổ số thì cũng gần như không làm giảm đi lượng người mua, tức không ảnh hưởng đến “nền kinh tế vé số” hiện hành.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc đánh thuế suất ở mức bao nhiêu (5%, 10% hay 20%...), biểu thuế có mấy bậc và khi nào tới thời điểm chín muồi để áp dụng thì Nhà nước cũng cần phải đánh giá, tính toán kỹ lưỡng.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có giải pháp để quản lý việc thu thuế từ hoạt động trúng xổ số nói riêng và trúng thưởng nói chung. Bởi như chủ một đại lý vé số từng đặt vấn đề: Khi mua vé số, người mua không để lại thông tin nên khi trúng số họ có thể chia lẻ số vé trúng ra cho người thân đi lãnh thưởng để “né bớt” thuế lũy tiến so với một người đi lãnh cả “cục tiền to”.