Đảo chính Niger: Algeria đề xuất cách chấm dứt khủng hoảng; EU sắp nhóm họp bàn chiến lược tiếp cận

(PLO)- Algeria đề xuất một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 6 tháng tại Niger để khôi phục trật tự hiến pháp; các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao EU sắp nhóm họp về tình hình Niger.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Niger sau hơn một tháng quốc gia Tây Phi này trải qua đảo chính, Algeria vừa đề xuất một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 6 tháng tại Niger do một thành viên dân sự lãnh đạo. Trong khi đó, các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao của Liên minh châu ÂU (EU) lên kế hoạch họp về tình hình Niger.

Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Niamey hồi đầu tháng 8. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Niamey hồi đầu tháng 8. Ảnh: REUTERS

Algeria đề xuất sáng kiến giải quyết khủng hoảng Niger

Ngày 29-8, Ngoại trưởng Algeria - ông Ahmed Attaf cho biết nước này đề xuất một sáng kiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger, theo hãng Reuters.

Theo đó, ông Attaf nói rằng Niger sẽ có một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 6 tháng do một thành viên dân sự lãnh đạo.

“Người đứng đầu chính quyền quân sự Niger - Tướng Abdourahamane Tiani đã kêu gọi một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tối đa ba năm. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, quá trình [chuyển tiếp] có thể hoàn thành trong 6 tháng để cuộc đảo chính không trở thành một việc đã rồi” - ông Attaf cho hay.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Attaf cho biết Algeria sẽ đề nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức một hội nghị để khôi phục trật tự hiến pháp, trong đó sẽ đưa ra các bảo đảm cho lợi ích của các bên. Algeria cũng sẽ tổ chức một hội nghị về phát triển ở khu vực Sahel.

Chính quyền quân sự Niger chưa bình luận về đề xuất trên của Algeria.

Ông Attaf cũng tiết lộ rằng các quan chức Algeria có 3 cuộc thảo luận với chính quyền quân sự Niger kể từ cuộc đảo chính hồi cuối tháng 7.

Algeria nhiều lần lên tiếng phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vào Niger, viện dẫn tình trạng hỗn loạn sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa quân vào Libya năm 2011 để lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi.

EU sẽ thảo luận chiến lược tiếp cận Niger

Ngày 29-8, trang tin Euractiv dẫn một ghi chú nội bộ của EU cho hay bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của các nước thành viên EU dự kiến trong tuần này sẽ thảo luận về chiến lược nhằm giải quyết tình hình ở Niger và đánh giá lại cách tiếp cận của khối đối với khu vực Sahel.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell hồi tháng 4-2023. Ảnh: Olivier Matthys/POOL/REUTERS

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell hồi tháng 4-2023. Ảnh: Olivier Matthys/POOL/REUTERS

Cuộc họp trên sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31-10 tại thành phố Toledo (Tây Ban Nha).

“Cuộc đảo chính khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên vì Niger đang trên một quỹ đạo chính trị, kinh tế và xã hội tương đối ổn định bất chấp áp lực an ninh đáng kể dọc biên giới nước này” - ghi chú cho biết.

Theo bản ghi chú, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell dự kiến sẽ thảo luận với các thành viên EU về cách tiếp cận của khối đối với Niger và các vấn đề đi kèm như viện trợ, di cư và an ninh biên giới.

Ngoài ra bản ghi chú còn nhận định rằng tình hình Niger hiện tại vẫn không chắc chắn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hành động của ECOWAS về các biện pháp trừng phạt, ngoại giao hay can thiệp quân sự,...

“Mỹ là đối tác mà EU cần tăng cường phối hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng này” - theo bản ghi chú.

Viện trợ nhân đạo cho Niger gặp khó

Ngày 29-8, Đại diện Cao uỷ LHQ về Người tị nạn (UNHCR) tại Niger - ông Emmanuel Gignac cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Niger sau cuộc đảo chính đã ngăn chặn việc viện trợ nhân đạo quan trọng như thực phẩm và thuốc men, theo hãng tin Reuters.

Xe chở hàng viện trợ nhân đạo bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Benin và Niger hôm 18-8. Ảnh: REUTERS

Xe chở hàng viện trợ nhân đạo bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Benin và Niger hôm 18-8. Ảnh: REUTERS

Kể từ cuộc đảo chính ngày 26-7, ECOWAS áp nhiều biện pháp trừng phạt Niger, bao gồm phong tỏa biên giới nước này, nhằm gây áp lực buộc chính quyền quân sự khôi phục chức vụ cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Lệnh trừng phạt trên đã khiến các xe tải chở thực phẩm và hàng viện trợ nhân đạo mắc kẹt tại biên giới Niger.

“Không có cách nào để đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Niger. Hàng hóa cấp thiết là thực phẩm, sau đó là thuốc men” - ông Gignac nói, đồng thời cho hay ông đã chuyển lá thư của Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ Martin Griffiths cho ECOWAS để xin quyền miễn trừ.

Người phát ngôn ECOWAS từ chối bình luận về thông tin trên.

Trong khi đó, người phát ngôn khu vực của Chương trình Lương thực Thế giới - ông Djaounsede Madjiangar nói rằng việc đề nghị ECOWAS cấp phép đặc biệt cho hàng viện trợ cho đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại châu Phi cho biết khoảng 50 chiếc xe tải chở vaccine, thiết bị y tế và thực phẩm trị liệu bị kẹt lại tại các cửa khẩu của Niger, trong khi hơn một triệu liều vaccine từ châu Âu cũng không thể vận chuyển đến Niger do chính quyền quân sự đóng không phận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm