Dập nát 1 tay được bồi thường 300 triệu đồng

TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động giữa anh Nguyễn Nhựt Phi (23 tuổi, ngụ Hậu Giang) và Công ty TNHH MTV NGP (gọi tắt là Công ty NGP).

Chà rửa phà bị dập nát tay phải

Anh Phi trình bày: Ngày 20-12-2016, anh được bà P. thuê để thi công phần vệ sinh và sơn mới một chiếc phà tại cơ sở đóng tàu của Công ty NGP với tiền công 170.000 đồng/ngày. Trong lúc chà rửa, vệ sinh phần dưới mỏ bàn phà thì xe cuốc của Công ty NGP đổ cát, đá trên mỏ bàn phà làm tuột dây cáp hai bên. Hậu quả là bàn phà tuột xuống đè nát cánh tay phải của anh Phi.

Gia đình đã đưa anh Phi đi điều trị ở BV đa khoa Trung ương Cần Thơ và BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Trải qua 10 ca mổ với chi phí hơn 200 triệu đồng, hiện tỉ lệ thương tật, suy giảm sức khỏe lao động của anh Phi qua giám định là 51%.

Anh Phi khởi kiện yêu cầu Công ty NGP phải bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động tổng cộng là 408 triệu đồng. Các khoản anh yêu cầu gồm: Chi phí cứu chữa tại các bệnh viện, chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất, tiền mất thu nhập của người chăm sóc trong một năm và bồi thường tổn thất tinh thần…

Trước đó, phía công ty đã hỗ trợ anh 59 triệu đồng (gồm 50 triệu của công ty, 5 triệu của bà P. và 4 triệu tiền của anh em công nhân). Vì thế anh Phi đề nghị khấu trừ 50 triệu đồng, số tiền anh yêu cầu bị đơn phải bồi thường là hơn 358 triệu đồng.

Đại diện công ty cho rằng công ty ký hợp đồng thuê khoán nhân công với bà P. Theo điều 4 của hợp đồng thì phía bà P. phải chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định về an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường trong thi công. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Phi thuộc về bà P. Hơn nữa, lúc anh Phi nằm bệnh viện, công ty đã hỗ trợ 59 triệu đồng nên không đồng ý bồi thường như đơn khởi kiện.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà P. trình bày: Cuối năm 2016, giám đốc Công ty NGP có khoán cho bà thực hiện vệ sinh, chà sét và sơn phà. Quá trình thực hiện thỏa thuận thì bà là người trực tiếp thuê anh Phi và đã xảy ra tai nạn như anh Phi trình bày.

Bà P. đồng ý yêu cầu khởi kiện của anh Phi vì cho rằng nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động là do lỗi của Công ty NGP.

Cánh tay phải của anh Nguyễn Nhựt Phi đã mất hoàn toàn khả năng vận động. Ảnh: NHẪN NAM

Công ty phải bồi thường

Xử sơ thẩm vào tháng 11-2019, TAND quận Ninh Kiều cho rằng yêu cầu của anh Phi là có cơ sở nên chấp nhận một phần, buộc Công ty NGP phải bồi thường cho anh Phi hơn 313 triệu đồng (đã khấu trừ 54 triệu đồng). Sau đó, phía công ty kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo, yêu cầu tòa buộc bà P. phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho anh Phi.

HĐXX nhận định bà P. có vai trò là người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian, Công ty NGP là chủ chính sử dụng lao động. Tuy nhiên, địa điểm thực hiện công việc là tại cơ sở đóng tàu của Công ty NGP. Việc anh Phi bị tai nạn lao động là do công ty không đảm bảo quy trình, trang bị thiết bị an toàn, vệ sinh lao động, vi phạm Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động.

Mặt khác, theo quy định thì anh Phi có quyền khởi kiện bà P. cũng như Công ty NGP yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do anh Phi đã khởi kiện công ty nên sau khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì công ty có quyền khởi kiện lại bà P. trong một vụ án khác để xác định nghĩa vụ bồi thường tương ứng với lỗi của từng bên.

Theo HĐXX, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, kháng cáo của bị đơn không có căn cứ nên không được chấp nhận. Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Công ty NGP phải bồi thường cho anh Phi hơn 313 triệu đồng.

Quyết giữ cánh tay sau 10 lần phẫu thuật đau đớn

Anh Phi cho biết số tiền được bồi thường sẽ dùng phần lớn (khoảng 200 triệu đồng) để trả nợ lúc điều trị do bị tai nạn, chuộc lại mấy công ruộng của gia đình và trang trải cho gia đình… Anh mong muốn sau này có thể tập cho cánh tay trái thuần thục, học một nghề gì đó để có thể nuôi sống bản thân. Hiện nay, đa số sinh hoạt hằng ngày của anh phải phụ thuộc vào người thân gia đình, đến việc xúc cơm ăn cũng phải nhờ người khác.

Bà Lê Thị Thu Ba (mẹ anh Phi) nhớ lại, gia đình bà đã phải đưa con đi bốn bệnh viện mới cứu được cánh tay phải của Phi. Ban đầu, do phần cẳng tay bị dập nát hoàn toàn nên các bác sĩ đều khuyên cắt bỏ hẳn nhưng Phi không chịu, tuy nhiên cũng nhờ vậy mà giữ được phần “xác” của cánh tay.

Trải qua khoảng 10 lần phẫu thuật, các bác sĩ đã phải mổ cắt hai đoạn xương ở hai ống chân và lấy da đùi của Phi đắp vào cánh tay để giữ cho cánh tay nguyên vẹn. Tuy nhiên, phần tay này chỉ có tác dụng về thẩm mỹ, chứ mất hoàn toàn khả năng vận động. Vì lấy đi hai đoạn xương nhỏ ở chân nên hai chân của Phi cũng yếu hơn bình thường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm