Vụ đòi đền cánh tay: Chuyển hồ sơ lên tòa cấp trên

Ngày 15-11, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai vụ án tranh chấp bồi thường tai nạn lao động giữa nguyên đơn là ông Trần Xuân Trì và Công ty Ninh Phát.

Tại tòa, đại diện ủy quyền của ông Trì yêu cầu bồi thường 141 triệu đồng do tai nạn lao động và 234 triệu đồng tiền lương kể từ đầu tháng 8-2016 đến ngày xét xử, vì Công ty Ninh Phát đơn phương chấm dứt hợp động trái pháp luật.

HĐXX. Ảnh: MINH TÂM

Nguyên đơn căn cứ vào Bộ luật Lao động và Điều 3, Điều 5 Thông tư số 04/2015 của Bộ LĐ-TB&XH (về thực hiện chế độ bồi thường do tai nạn lao động) đưa ra. 

Đại diện ủy quyền của Công ty Ninh Phát không đồng ý cho rằng ông Trì bị tai nạn lao động là do ông tự sửa máy chứ không phải làm theo yêu cầu của phía công ty. Cạnh đó, công ty đã nhiều lần muốn ký hợp đồng lao động nhưng ông Trì không đồng ý.

Mặt khác, giữa công ty và ông Trì chỉ có hợp động khoán việc, giao việc trả tiền chứ không trả lương hằng tháng nên ông Trì không phải là nhân viên của công ty.

Ông Trần Xuân Trì tại tòa sáng nay. Ảnh: MINH CHUNG

Luật sư của nguyên đơn cho rằng căn cứ vào các bảng chấm công, chấm lương có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở để khẳng định ông Trì là nhân viên của công ty.

Đại diện VKS nêu quan điểm có hay không hợp đồng lao động giữa ông Trì và Công ty Ninh Phát để có căn cứ giải quyết bồi thường là rất quan trọng. Ngoài ra cần sự đối chất giữa bà Ngô Thị Thức (con dâu giám đốc công ty, cũng là người lao động của công ty) và ông Trì. Mục đích là để làm sáng tỏ vấn đề ông Trì bị nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng trái luật như lời trình bày.

HĐXX đồng ý với quan điểm của vị đại diện VKS. Tuy nhiên, bà Thức hiện đang học tập và sinh sống tại nước ngoài, không thể liên lạc để triệu tập dự tòa nên HĐXX quyết định chuyển vụ án lên tòa cấp trên. 

Nội dung vụ án

Như PLO đã thông tin, tháng 9-2013, ông Trì vào làm nhân viên kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì máy tại Công ty Ninh Phát. Hai bên không ký hợp đồng lao động nhưng ông Trì vẫn lưu trú tại nhà tập thể của công ty. Hằng tháng ông Trì được công ty trả lương 6 triệu đồng, không đóng thêm bất kỳ khoản tiền bảo hiểm nào.

Ngày 5-2-2016, công ty tổ chức tất niên và cho công nhân nghỉ tết. Do có máy móc cần sửa nên ông Nguyễn Quang Vinh (con bà Phạm Thị Định, giám đốc công ty) yêu cầu ông Trì cùng một số công nhân ở lại làm thêm một ngày. Ông Trì đồng ý ở lại làm việc, đến chiều thì xảy ra tai nạn lao động làm anh phải cưa cánh tay phải, suy giảm khả năng lao động đến 65%.

Theo ông Trì, sau tai nạn công ty đóng viện phí cho anh số tiền khoảng 14 triệu đồng. Đến tháng 8-2016, công ty đuổi việc ông. Ông Trì đã nhiều lần làm đơn xin công ty hỗ trợ thêm 40 triệu đồng nhưng công ty từ chối. Vì vậy, ông Trì khởi kiện yêu cầu TAND huyện Bình Chánh buộc công ty bồi thường cho ông hơn 200 triệu đồng.

Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2017, TAND huyện Bình Chánh đã bác yêu cầu của ông Trì vì cho rằng ông Vinh không có chức vụ, quyền hạn gì trong công ty nên không có thẩm quyền điều hành người lao động.

Ông Trì kháng cáo, trong giai đoạn giải quyết phúc thẩm, TAND TP.HCM đã có công văn đề nghị Công an huyện Bình Chánh tiến hành điều tra về vụ tai nạn lao động này.

Ngày 29-6-2018, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ “Đòi đền cánh tay” đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ và giải quyết lại từ đầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm