Bộ Công an đang dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Nghị định 115/2013). Theo đó, Bộ Công an sẽ hoàn thiện quy định về đặt tiền bảo lãnh thay vì để CSGT tạm giữ xe của người vi phạm giao thông.
Dân bớt… xót của
Theo chị Lê Thu Hà (ngụ TP Thanh Hóa), việc hoàn thiện quy định đặt tiền bảo lãnh thay vì để CSGT giữ xe của Bộ Công an là hoàn toàn hợp lý, bởi phương tiện vi phạm nhưng họ chứng minh được đầy đủ nhân thân, giấy tờ thì nên cho người ta nộp tiền để bảo vệ tài sản của chính mình cho đến khi hoàn tất xử phạt.
Anh Phạm Văn Tuấn (ngụ TP Thanh Hóa) cho rằng: “Đây là một trong những đề xuất rất sát với thực tế bởi theo tôi, có những chiếc xe lên đến cả vài chục triệu, trăm triệu, là một tài sản rất lớn của chính gia đình đó. Vì khi được nộp tiền, tự giữ phương tiện thì người dân bớt xót cho tài sản của mình. Người dân cũng không phải mất thêm khoản phí trả cho các đơn vị trông giữ xe mà chưa chắc tài sản được đảm bảo. Cạnh đó, biện pháp này còn giảm bớt những gánh nặng cho cơ quan, đơn vị xử lý vi phạm về thời gian, mất diện tích trụ sở để làm kho, bãi giữ xe”.
Còn anh Nguyễn Tấn Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), là tài xế lái thuê cho doanh nghiệp vận tải chuyên phục vụ du lịch, thì cho rằng hiện nay tài xế chạy xe rất sợ vi phạm hành chính và bị giữ xe. Vì nếu giữ xe sẽ gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp khi đã tính toán điều phối xe phục vụ khách. Nếu xe bị tạm giữ, tài xế còn bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến lương, thưởng. “Trước giờ chủ xe rất sợ giam xe, bằng cách này hoặc cách khác phải lấy xe ra, kể cả chung chi. Nếu dự thảo được thực hiện thì sẽ giảm đi tiêu cực đáng kể” - anh Thành nói.
CSGT xử lý người vi phạm giao thông và tới đây có thể cho đóng tiền bảo lãnh thay vì tạm giữ xe. Ảnh: LƯU ĐỨC
Một bãi tạm giữ xe của CSGT ở TP.HCM.
CSGT: Bớt lo cháy nổ, mất phụ tùng…
Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, nói về hạn chế trong việc tạm giữ các phương tiện vi phạm: “Việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm tại các cơ quan, đơn vị công an là khá chật chội, mà quá trình tạm giữ tài sản của người dân phải được đảm bảo và an toàn, tránh trường hợp xảy ra hư hại, cháy nổ...”.
17,5 triệu xe là số xe tang vật, xe vi phạm giao thông bị tạm giữ, tịch thu từ năm 2013 đến nay, trong đó đã trả lại 4.056.000 tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy 5.040.000 tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5.065.000 tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỉ đồng… Theo Bộ Công an |
Một điểm khác nữa là trong trường hợp tạm giữ quá nhiều phương tiện mà cơ quan công sở không đủ sức chứa thì đơn vị buộc phải thuê, làm hợp đồng với các đơn vị khác để gửi xe vi phạm, vì thế cũng là khó khăn mà mất tiền của người vi phạm, cụ thể là trông giữ xe ở đây.
Theo một trưởng trạm CSGT ở Đà Nẵng, theo quy định, khi tạm giữ xe phải niêm phong xe buộc phải có chữ ký của người vi phạm. Nhưng lâu nay đa phần người vi phạm sau khi bị lập biên bản thường tự đón xe khác để tiếp tục hành trình chứ không đến điểm tạm giữ để ký vào.
“Chữ ký niêm phong xe toàn của CSGT với người giữ bãi xe. Chúng tôi thường yêu cầu người vi phạm gom hết đồ đạc giá trị trong xe ra ngoài trước khi đưa phương tiện về tạm giữ” - vị trạm trưởng CSGT này chia sẻ.
Ông này cho rằng dự thảo cần phải cho phương tiện bị tạm giữ được lưu hành. Nếu người điều khiển một xe vi phạm hành chính, người đó là chủ thể vi phạm chứ xe không liên quan gì. Nếu tạm giữ xe để chắc chắn rằng người vi phạm sẽ nộp phạt thì theo dự thảo này đã có tiền tạm ứng lỗi trước. Các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn có thể đưa tiền tạm ứng để lấy xe ra và cho tài xế khác lái để tiếp tục kinh doanh mới hợp lý.
Thêm vào đó, nhiều người vi phạm có xe trị giá cả chục tỉ đồng, lực lượng chức năng tạm giữ xe của họ cũng lo lắng nếu hư hỏng hoặc bị mất cắp phụ tùng sẽ phiền phức.
Tăng phạt tiền, bỏ bớt tạm giữ xe Theo một sĩ quan một đội thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), nhiều năm qua các đội, trạm gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạm giữ xe vi phạm giao thông. Lý do là mặt bằng các đội, trạm CSGT ở TP.HCM không đủ chỗ để các loại xe nghiệp vụ nên với vi phạm đều phải đi thuê kho, bãi ở cách địa bàn 10-20 km. Vì thế ngoài việc tốn kém thời gian vận chuyển xe vi phạm còn tốn thêm thời gian bảo quản, bàn giao xe cho chủ kho, bãi… Vì thế, theo vị sĩ quan trên, song song với hoàn thiện quy định đặt tiền bảo lãnh thì cũng cần bỏ bớt các lỗi phải tạm giữ xe mà tăng mức phạt tiền lên. Chỉ nên tạm giữ xe với các trường hợp là tang vật trong các vụ án liên quan đến giao thông hoặc tổ chức đua xe trái phép, đánh bạc dưới hình thức đua xe… |