Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela

1. Hassan Rouhani

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 1

Ngày 15-6, ứng cử viên ôn hòa Hassan Rouhani, 64 tuổi được bầu làm tổng thống Iran. Tám năm cầm quyền của phe bảo thủ chấm dứt. Quá trình đàm phán trực tiếp về hạt nhân với phương Tây bắt đầu. Ngày 27-9, Tổng thống Obama điện đàm với Tổng thống Hassan Rouhani, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Mỹ-Iran từ năm 1979. Ngày 24-11, Iran đạt được thỏa thuận lịch sử với nhóm 5+1.

(Biếm họa của TOM JANSSEN, báo The Netherlands của Hà Lan)

2. Đức Giáo hoàng Phanxicô

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 2

Ngày 28-2, Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI chính thức thoái vị. Ngày 13-3, Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, 77 tuổi được bầu làm giáo hoàng thứ 266, lấy tên thánh Phanxicô. Đây là giáo hoàng đầu tiên của châu Mỹ và là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên. Ông sống giản dị, khiêm nhường, gần gũi với người nghèo. Tạp chí Time (Mỹ) đã gọi ông là “Đức Giáo hoàng của nhân dân” và bình chọn ông là “Nhân vật của năm 2013”.

(Biếm họa của TAYLOR JONES, Mỹ)

3. Edward Snowden

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 3

Ngày 6-6, từ một địa điểm bí mật ở Hong Kong, cựu nhân viên CIA Edward Snowden bắt đầu tiết lộ tài liệu mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) liên quan đến các chương trình theo dõi điện thoại và Internet. Quan hệ giữa Mỹ và các nước rạn nứt. Lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ ngỡ ngàng khi biết đã bị NSA theo dõi. Bị FBI truy lùng, cuối cùng Edward Snowden tị nạn ở Nga.

(Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL, báo La Prensa của Panama)

4. Vladimir Putin

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 4

Ngày 16-9, phái đoàn của LHQ công bố kết luận điều tra xác nhận sáng sớm 21-8 đã xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus (Syria). Báo cáo không chỉ ra ai là thủ phạm nhưng phương Tây quyết đó là Syria. Trước tình thế Syria có nguy cơ bị Mỹ đánh bom, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành người cứu rỗi. Với nỗ lực của Nga, ngày 27-9, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2118 về phá hủy kho vũ khí hóa học ở Syria. Tổng thống Putin đã được người Nga bình chọn là “Nhân vật của năm 2013”.

(Biếm họa của HAJO DE REIJGER, báo The Netherlands của Hà Lan)

5. Nelson Mandela

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 5

Ngày 5-12, ông Nelson Mandela, 95 tuổi, nguyên Tổng thống Nam Phi (1994-1999), đã từ trần tại Johannesburg sau thời gian dài bạo bệnh. Ông đã chịu cảnh lao tù của chế độ phân biệt chủng tộc trong 27 năm. Ngày 30-6-1991, ông cùng Đại hội Dân tộc Phi đã chứng kiến chế độ phân biệt chủng tộc bị xóa bỏ. Người đoạt giải Nobel Hòa bình Nelson Mandela đã được ví như Mahatma Gandhi ở Ấn Độ, Martin Luther King ở Mỹ.

(Biếm họa của DARIO CASTILLEJOS, báo El Imparcial của Mexico)

6. Hugo Chavez

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 6

Sau 14 năm cầm quyền và một thời gian dài hấp hối do căn bệnh ung thư, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, 58 tuổi đã qua đời vào ngày 5-3. Từ năm 1998 đến nay, ông đã chiến thắng 13/14 cuộc bầu cử tổng thống. Ông quan hệ thân thiết với các nhà chính trị cánh tả ở Nam Mỹ, đặc biệt với Cuba và kiên trì đấu tranh thực hiện chủ nghĩa xã hội hiện đại ở thế kỷ 21. Vũ khí lợi hại của ông
là dầu mỏ.

(Biếm họa của TAYLOR JONES, báo Hoover Digest của Mỹ)

7. Mohamed Morsi

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 7

Tại Ai Cập, những người biểu tình tố cáo tổng thống dân cử đầu tiên Mohamed Morsi bất lực trong vực dậy kinh tế và thao túng quyền hành có lợi cho tổ chức Anh em Hồi giáo. Ngày 3-7, ông bị bắt và bị quân đội phế truất. Khủng hoảng chính trị kéo dài đến cuối năm 2013. Đến nay có hơn 1.000 người chết và hơn 2.000 người ngồi tù vì ủng hộ Tổng thống Morsi.

(Biếm họa của KAP, báo La Vanguardia của Tây Ban Nha)

NGỌC LONG

Dấu ấn 2013: Từ Hassan Rouhani đến Nelson Mandela ảnh 8

Ngày 8-11, siêu bão Haiyan với sức gió 314 km/giờ tràn qua Philippines. Sóng lớn tương tự sóng thần đã biến một số đảo ở miền Trung Philippines thành bình địa. Tính đến cuối tháng 12 có 6.057 người chết và 1.779 người mất tích, hơn 4 triệu người mất nhà cửa. LHQ đánh giá bão Haiyan ảnh hưởng hơn 14 triệu dân Philippines. Chính phủ Philippines nhận định phải cần 8,17 tỉ USD trong bốn năm để tái thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm