Biết gì về mã QR thần kỳ ở Ấn Độ?

(PLO)- Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở Ấn Độ đang ngày càng trở nên phổ biến, góp phần vào sự phát triển kinh tế của nước này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Brij Kishore Agarwal có một cửa hàng sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ) gần những con đường hẹp của chợ Chandni Chowk ở TP Delhi (Ấn Độ). Trước đây, việc mọi người đến đây, mua một gói lớn quần áo và để lại lượng lớn tiền mặt là điều bình thường.

Khi ấy, nỗi lo lắng rằng ai đó sẽ đột nhập và lấy trộm tiền khiến ông Agarwal thức trắng đêm canh giữ. Tuy nhiên, giờ đây ông Agarwal dễ dàng ngủ ngon vì hầu hết khách hàng của ông đều sử dụng hệ thống thanh toán điện tử để mua hàng.

“Tôi đã thấy đất nước này thay đổi. Chúng tôi rất hiếm khi nhận được thanh toán bằng tiền mặt” – ông Agarwal nói.

Sự thay đổi bất ngờ khi không dùng tiền mặt
Cửa hàng bán sari của ông Agarwal. Ảnh: CNN

Bước chuyển mình quan trọng

Thanh toán kỹ thuật số, được thực hiện thông qua các hệ thống như "Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI)", cho phép người dùng chuyển tiền ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Điều này đã trở nên phổ biến trên khắp Ấn Độ, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.

Ở TP Delhi, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh những người bán trà thu tiền thông qua các ứng dụng di động, trong khi những người lái xe tham quan TP tấp vào lề để mua những chiếc bánh paratha truyền thống cũng thanh toán thông qua điện thoại của họ.

Theo CNN, cuộc cách mạng thanh toán điện tử đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực biến Ấn Độ trở thành siêu cường kinh tế. Đây là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Thủ tướng Narendra Modi cho biết ông muốn Ấn Độ được coi là quốc gia “phát triển” vào năm 2047.

Ông Eswar Prasad, GS kinh tế tại ĐH Cornell (Mỹ), cho biết: “Thanh toán kỹ thuật số có khả năng thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ bằng cách loại bỏ xung đột, tăng hiệu quả và giảm chi phí. UPI và quá trình số hóa rộng rãi của nền kinh tế và có thể làm tăng tính toàn diện của sự tăng trưởng này”.

Nỗ lực số hóa xã hội của Ấn Độ đã bắt đầu khoảng 15 năm trước, nhưng thanh toán điện tử vẫn chưa bắt kịp xu hướng này. Năm 2016, 96% giao dịch ở Ấn Độ vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, hai sự kiện trong năm 2016 đã thay đổi mọi thứ. Đầu tiên, Tập đoàn Thanh toán Ấn Độ (NPCI) – một sáng kiến ​​của ngân hàng trung ương và hiệp hội ngân hàng nước này – đã ra mắt nền tảng thanh toán UPI.

UPI cho phép người dùng sử dụng điện thoại của họ làm thẻ ghi nợ ảo, chuyển tiền từ gần 600 ngân hàng thành viên và công ty tài chính ngay lập tức mà không cần đi đến ngân hàng hoặc trả phí giao dịch.

Cuối năm 2016, chính phủ bất ngờ loại bỏ 2 tờ tiền mệnh giá cao là 500 và 1.000 rupee - vốn chiếm 86% tổng lượng tiền đang lưu hành – với mục tiêu là chống tham nhũng. Điều đó đã thúc đẩy sự gia tăng việc sử dụng thanh toán điện tử.

Ông Ramesh Kumar (52 tuổi) – chủ cửa hàng khăn tắm ở chợ Sarojini Nagar tại Delhi cho biết: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.

240429121211-india-e-payments-sania-2.webp
Thanh toán kỹ thuật số cũng phổ biến trong giới tài xế lái xe chở khách tham quan ở Ấn Độ. Ảnh: CNN

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng các giao dịch kỹ thuật số nhanh hơn nữa, trong bối cảnh mọi người cố gắng bảo vệ bản thân và tránh tiếp xúc với người khác.

Giờ đây, người Ấn Độ sử dụng UPI để trả tiền cho tất cả mọi người, từ người bán rau đến bác sĩ. Theo chính phủ Ấn Độ, nước này thực hiện nhiều giao dịch kỹ thuật số nhất thế giới. Vào năm 2023, số lượng giao dịch UPI đạt đỉnh 100 tỉ lượt giao dịch.

Nhiều lợi ích

Xu hướng tăng thanh toán điện tử dự kiến tiếp tục phổ biến. UPI đang hướng tới 2 tỉ giao dịch/ngày từ nay đến năm 2030.

“Nếu tôi có thể và cửa hàng vốn đã quá cũ của tôi có thể tiến lên và thay đổi như thế này, thì tôi chắc chắn mọi khách hàng cũng có thể làm được” – ông Agarwal nói.

Ông Prasad cho rằng Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới và số hóa “đã đóng một vai trò khá quan trọng trong quỹ đạo kinh tế rất thành công mà Ấn Độ đang đi”.

Mặc dù rất khó để tính tác động của việc áp dụng UPI đối với tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ, nhưng ở cấp độ vi mô, có thể dễ dàng nhận thấy nó đang tạo ra sự khác biệt lớn. Ông Agarwal cho biết điều này đã nâng cao hiệu quả và tính minh bạch cho hoạt động kinh doanh của ông, đồng thời khiến việc nộp thuế trở nên đơn giản hơn.

Ông Kapil Sharma – người bán hoa bên ngoài một ngôi đền ở Delhi cho biết ông từng kinh doanh thua lỗ vì khách hàng không muốn chờ giao dịch và thối tiền. Ông Sharma bắt đầu sử dụng UPI khoảng một năm trước và nhận thấy doanh số bán hàng tăng lên.

“Nó giúp đơn giản hơn. Họ mua, trả tiền và đi” – ông Sharma nói.

Thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-An-Do.webp
Người bán hoa Kapil Sharma cũng áp dụng phương pháp thanh toán kỹ thuật số. Ảnh: CNN

Ngoài sự thuận tiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ đã giúp người dân cảm thấy thoải mái hơn. Ông Prasad cho rằng số hóa tài chính đã “làm cho công dân Ấn Độ, bao gồm những người không giàu có lắm, cảm thấy rằng họ có đóng góp trong sự tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ”.

Hiện NPCI đang tập trung vào việc mở rộng hệ thống thanh toán kỹ thuật số ra nước ngoài để giúp công dân làm việc ở nước ngoài gửi tiền về nước dễ dàng hơn, hoặc cho phép du khách Ấn Độ thanh toán bằng UPI khi đi du lịch nước ngoài. Năm nay, trang web của tháp Eiffel (Pháp) bắt đầu chấp nhận thanh toán qua UPI.

“Tôi nghĩ chính phủ coi UPI là khuôn mẫu cho phần còn lại của thế giới. Tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ giúp nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường thế giới” – ông Prasad nói.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ lại phương thức thanh toán tiền mặt.

Anh Azeez – một tài xế 34 tuổi ở Delhi cho biết anh sợ mất tiền nên không thể sử dụng thanh toán điện tử.

“Tôi là người thất học, tôi nghèo, tôi chưa bao giờ đến trường, tôi không thể đọc hay viết. Nếu tôi thao tác sai thì sao?” – anh Azeez nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm