Tờ The Times of India cho biết vào cuối năm 2017, một bệnh nhân người Trung Quốc sẽ trở thành người đầu tiên được phẫu thuật ghép đầu toàn phần. Dự án này đã gây ra nhiều sóng gió trong giới chuyên gia y học trong thời gian qua. Nổi bật nhất trong dự án này chính là yếu tố Trung Quốc.
Ca ghép đầu người chấn động
Tháng 5-2016, tờ The Times of India khẳng định đã trao đổi với bác sĩ người Ý - ông Sergio Canavero, người đi đầu trong nghiên cứu phẫu thuật ghép đầu người. Theo đó, ông Canavero khẳng định một đội chuyên gia y học đã được tập hợp và cuộc phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trên thế giới sẽ được tiến hành tại Trung Quốc. Theo tờ The Times of India, ông Canavero khẳng định đội ngũ y, bác sĩ đã hoàn thiện được các kỹ thuật ghép đầu người và tất cả những gì êkíp cần là sự ủng hộ tài chính và sự chấp nhận của xã hội.
Cuộc phẫu thuật sẽ được thực hiện trong phòng kín với nhiệt độ được giữ luôn dưới mức 12 độ C. Đầu của bệnh nhân sẽ được ghép vào cơ thể của một người hiến xác vừa mới qua đời. Theo ông Canavero, bệnh nhân sau ca phẫu thuật sẽ hôn mê trong nhiều tuần liền. Trong thời gian đó, các nhà khoa học hy vọng cơ và các tế bào thần kinh sẽ nhanh chóng phát triển và kết nối với nhau. Ông Canavero cho rằng bệnh nhân sẽ có đủ khả năng tự đi đứng sau khoảng thời gian điều trị kéo dài một năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh nhân dù sống sót thành công sau ca phẫu thuật vẫn nhiều khả năng sẽ bị bại liệt suốt phần đời còn lại của mình, trang tin CRI cho biết.
Trả lời tờ The Times of India, ông Canavero khẳng định: “Sự thành công của ca phẫu thuật ghép đầu người phụ thuộc vào thủ thuật cắt tủy sống, sao cho thật sắc bén chứ không gây nhiều tổn thương. Đây sẽ là chìa khóa quan trọng cho quá trình ghép tủy sống. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng mọi chỉ trích về việc tủy sống sẽ không thể được tái tạo là hoàn toàn sai”.
Theo tờ China Daily, nhà giải phẫu học người Ý tuyên bố sẽ sớm công bố êkíp phẫu thuật của mình vào tháng 6-2016, tại Maryland (Mỹ). Êkíp này sẽ bao gồm các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.
BS Ren Xiaoping, chuyên gia nghiên cứu của ĐH Y TP Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), là ứng cử viên hàng đầu cho êkíp phẫu thuật ghép đầu người. Ảnh: SCMP
Ứng viên hàng đầu cho “êkíp lịch sử”
Trả lời hãng tin Russia Today (Nga), ông Canavero từng khẳng định việc chọn một cộng sự người Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Những tham vọng phát triển về công nghệ của đất nước này sẽ cung cấp cho ông sự đồng thuận và hỗ trợ vô cùng lớn nếu có sự tham gia của một cộng sự người Trung Quốc. “Trung Quốc muốn trở thành quốc gia thực hiện việc này bởi vì họ muốn có người đoạt được giải thưởng Nobel. Họ muốn chứng tỏ rằng mình là một đầu tàu về khoa học”. Theo hãng tin Russia Today, ca phẫu thuật dự kiến sẽ được thực hiện tại ĐH Y TP Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc). Tổng chi phí dự kiến của ca phẫu thuật kéo dài 36 tiếng đồng hồ được ước tính lên đến 11 triệu USD.
Một trong những ứng cử viên hàng đầu sẽ xuất hiện trong êkíp thực hiện ca phẫu thuật của ông Canavero là BS Ren Xiaoping. Trước khi quay về làm việc tại Hắc Long Giang vào năm 2012, ông Ren Xiaoping đã có hơn 15 năm học tập và làm việc tại Mỹ. Khi quay về Trung Quốc, ông làm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại BV ĐH Y TP Cáp Nhĩ Tân và một phòng thí nghiệm được tài trợ bởi chính phủ. Các tờ báo của Trung Quốc thường nhắc đến vị bác sĩ 55 tuổi này với biệt danh “BS Frankenstein” của Trung Quốc. Kể từ khi về nước, Ren đã xây dựng một đội ngũ nhiều bác sĩ trẻ chuẩn bị cho ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thí nghiệm trên chuột, heo, khỉ và thậm chí là xác người. Tất cả thí nghiệm này đều được đài thọ bởi chính phủ Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Vào năm 2015, êkíp của ông Ren Xiaoping đã tiến hành ghép đầu thành công cho một con khỉ và giữ nó sống được trong suốt 20 tiếng đồng hồ mà không có biến chứng nào về tế bào thần kinh. Tuy nhiên, ca phẫu thuật của ông Ren và cộng sự không được xem là ghép đầu hoàn chỉnh, do không ghép luôn toàn bộ phần tủy sống. Điều đáng lưu ý là BS Canavero chính là người phối hợp với Ren thực hiện ca phẫu thuật này. Tờ South China Morning Post nhận định nếu như các trình độ khoa học đã đủ khả năng thực hiện cuộc phẫu thuật, ông Ren chắc chắn sẽ là người được mời vào êkíp thực hiện. Trong cuộc phỏng vấn cuối năm 2015 với tờ South China Morning Post, ông Ren từ chối tiết lộ ông và êkíp bác sĩ trẻ đã thử nghiệm ghép đầu trên bao nhiêu thi thể người và bao nhiêu con khỉ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định công trình nghiên cứu mà ông và các cộng sự đang theo đuổi có nhiều tiềm năng để cứu giúp vô số trường hợp bại liệt trong tương lai, cũng như các bệnh nhân bị ung thư hay suy đa cơ quan.
Theo tờ South China Morning Post, ông Ren đã để lại cả vợ con ở Mỹ, từ bỏ cả vị trí mình đang có tại ĐH Y Cincinnati (Mỹ) để trở về Trung Quốc và đeo đuổi giấc mơ của mình. Ông cho biết việc tìm kiếm tài trợ cho một dự án đầy tham vọng nhưng gây ra nhiều tranh cãi đạo đức như vậy tại Mỹ là hoàn toàn bất khả thi. Trong khi đó, khi trở về Trung Quốc, chính phủ đã lập tức cấp cho dự án của ông khoản tài trợ lên đến gần 1,5 triệu USD để xây dựng phòng thí nghiệm, đồng thời cung cấp cho Ren và đội nghiên cứu hơn 20 thành viên của ông các khoản tài trợ hằng năm.
Vì sao là bệnh nhân Trung Quốc? Trong suốt nhiều tháng qua, khi các tuyên bố về dự án của BS người Ý Canavero gây sóng gió dư luận, ứng cử viên hàng đầu để trở thành bệnh nhân ghép đầu người trên thế giới chính là một người Nga. Nhà khoa học công nghệ thông tin Valery Spiridonov mắc phải một chứng rối loạn thoái hóa cơ hiếm gặp đã tìm đến BS Canavero để tình nguyện làm bệnh nhân ghép đầu. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn mới đây của tờ The Times of India, ông Canavero tuyên bố không thể tìm ra một người hiến cơ thể cho nhà khoa học người Nga. Ông Canavero cho biết quá trình tìm kiếm người hiến trở nên bất khả thi do nhiều nguyên nhân, cả sinh học lẫn đạo đức y học. Tuy nhiên, vị bác sĩ người Ý không nêu rõ các nguyên nhân này là gì. Hội chứng rối loạn thoái hóa cơ mà nhà khoa học Nga mắc phải được biết đến với cái tên “hội chứng Werdning - Hoffman”. Theo hãng tin RT, những người mắc phải hội chứng này không thể sống quá 20 năm kể từ khi phát bệnh. Vẫn chưa có tuyên bố chính thức về khả năng ông Spiridonov tìm được người hiến cơ thể và thực hiện ca phẫu thuật cứu sống mình trong tương lai. |