RT hôm 16-5 dẫn lại thông báo từ ông Canavero cho biết ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới sẽ được thực hiện vào tháng 12-2017 nếu vị bác sĩ người Ý này có thể được tài trợ kinh phí và nhận được sự chấp thuận về mặt đạo đức.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times of India, ông Canavero cho biết công nghệ và đội ngũ bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật hiện đã sẵn sàng. Điều này có nghĩa khoản tiền tài trợ và sự chấp thuận về mặt đạo đức đang là những rào cản còn lại đối với ca cấy ghép.
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý ông Sergio Canavero. (Ảnh: RT)
Vị bác sĩ cũng lạc quan tin rằng bệnh nhân sẽ có thể đứng dậy và đi lại trong vòng một năm sau phẫu thuật.
“Chúng tôi đang chọn một ngày nào đó vào dịp Giáng sinh năm 2017 để thực hiện ca cấy ghép ở Trung Quốc. Đội ngũ phẫu thuật từ Trung Quốc đã thử nghiệm trên tử thi người để cải tiến công nghệ” - ông Canavero tiết lộ.
Ông Canavero cho biết bệnh nhân đầu tiên của ông sẽ là người Trung Quốc mặc dù trước đây ông nói người này là Valery Spiridonov - một nhà khoa học Nga bị liệt do một hội chứng rối loạn cơ hiếm gặp.
Canavero giải thích lý do ông Spiridonov không thể nhận chiếc đầu hiến tặng ở Trung Quốc vì lý do sinh học và đạo đức.
Mặc dù ca phẫu thuật ghép đầu có nguy cơ cao nhưng ông Canavero tin rằng khả năng thành công của ca cấy ghép nằm ở kỹ thuật làm mát cả người cho và người nhận với nhiệt độ xuống tới 12 độ C để các tế bào không chết vì thiếu ôxy trong quá trình cấy ghép.
“Kỹ thuật này sẽ cung cấp đủ thời gian để cắt các mô quanh cổ và nối các mạch máu lớn thông qua các ống nhỏ” - ông Canavero nói.
Từ trước đến nay chưa có ca phẫu thuật ghép đầu người nào được thực hiện trên thế giới. (Ảnh: GBTIMES.COM)
Sau khi đầu được ghép hoàn thành, bệnh nhân sẽ được giữ trong trạng thái hôn mê trong nhiều tuần “để hạn chế chuyển động của phần cổ mới được ghép trong khi các điện cực kích thích tủy sống để tăng cường kết nối với chiếc đầu mới”.
Khi bệnh nhân tỉnh lại sau tình trạng hôn mê, bệnh nhân sẽ có thể cử động và nói chuyện ngay lập tức và sau khi được vật lý trị liệu chuyên sâu, bệnh nhân có thể đi bộ trong vòng một năm, theo ông Canavero.
“Rủi ro là một phần của cuộc sống. Nhưng rủi ro có thể được hạn chế trong loại hình phẫu thuật này” - ông Canavero khẳng định.
Canavero cho biết vào tháng 1 năm nay, đối tác người Trung Quốc của ông - Xiaoping Ren đã thực hiện thành công ca cấy ghép đầu cho một con khỉ.
Theo vị bác sĩ người Ý, con khỉ vẫn sống sót sau ca cấy ghép mà không có cần bất kỳ tổn thương thần kinh nào trong 20 giờ trước khi chết vì lý do đạo đức.
Tuy nhiên, ca phẫu thuật này không được coi là một ca cấy ghép đầu “hoàn chỉnh” khi đội phẫu thuật không tìm cách nối các dây cột sống và con vật bị liệt hoàn toàn.
Ông Canavero dự kiến sẽ ra mắt đội ngũ bác sĩ quốc tế của ông đến từ Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc tại một cuộc họp về phẫu thuật thần kinh tại Maryland, Mỹ trong tháng 6 năm nay.