Đậu bắp, thanh long có thể bị EU tạm dừng nhập khẩu

(PLO)- Mỳ ăn liền sắp ra khỏi khỏi danh sách kiểm tra tần suất khi xuất khẩu sang EU, nhưng đậu bắp, thanh long Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị EU tạm dừng nhập khẩu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu một số hàng hóa từ một số nước thứ ba.

Trong số này, sản phẩm của Việt Nam "dính" ớt; sầu riêng; mỳ, bún, miến, phở dạng khô có gia vị kèm theo (nhóm mỳ ăn liền), bị cơ quan chuyên môn EU đưa vào nhóm phụ lục I, nghĩa là bị kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất kiểm tra hồ sơ truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên theo tần suất các lô hàng với tỉ trọng từ 10-50%.

thanh long.jpg
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT). Ảnh: AH

Cụ thể, ớt có tần suất kiểm tra biên giới 50%; nhóm mỳ ăn liền chịu tần suất kiểm tra biên giới 20%; sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.

Ngoài ra, Việt Nam còn có hai mặt hàng bị đưa vào phụ lục II, là đậu bắp và thanh long, chịu tần suất kiểm tra với tỷ lệ tương ứng là 50% và 20%. Các mặt hàng này ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới thì còn phải bổ sung chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU.

Theo ông Nam, thông thường, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ họp, xem xét, biểu quyết và quyết định tăng hoặc giảm tần suất hoặc đưa ra khỏi danh sách kiểm soát theo phụ lục I, phụ lục II hay phụ lục IIa (tạm dừng nhập khẩu vào EU).

Trong khuôn khổ Phiên họp Ủy ban SPS lần thứ 4 thực thi Hiệp định EVFTA, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của thị trường EU.

“Tại hội nghị, đại diện DG-SANTE có thông báo tin vui là tại kỳ họp vừa qua, căn cứ kết quả rà soát và việc tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mỳ ăn liền, phía EU dự kiến đưa sản phẩm này ra khỏi danh sách tại phụ lục I được cập nhật vào tháng 7 tới. Tức là các sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu 20% khi nhập khẩu vào EU” - ông Nam cho hay.

THANH LONG..jpg
Người dân thu hoạch thanh long.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, phía bạn cũng thông báo đối sản phẩm thanh long và đậu bắp của Việt Nam đang bị kiểm soát theo phụ lục II, thì dự kiến tháng 7 tới, tần suất kiểm tra sẽ tăng lên so với hiện tại. Lý do là thời gian qua, vẫn còn nhiều lô hàng thanh long xuất khẩu sang EU bị cảnh báo.

Theo diễn tiến, nếu sản xuất, sơ chế, đóng gói trong nước không kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép chất cấm và tuân thủ các quy định của EU, thì đến kỳ rà soát tiếp theo, có thể hai sản phẩm này sẽ đưa vào phụ lục IIa.

Phụ lục IIa nghĩa là EU sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ nhập khẩu, mặc dù thanh long, đậu bắp là sản phẩm có nhu cầu rất cao tại thị trường châu Âu.

“Để hạn chế thấp nhất nguy cơ gia tăng tần suất kiểm tra và thậm chí tạm dừng nhập khẩu, các doanh nghiệp cần cập nhật, tuân thủ và hiểu đúng các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật và các quy định liên quan của thị trường EU".

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam lưu ý, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm. Vì đây là các quy định bắt buộc áp dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm