Những ngày qua, chính quyền Mỹ liên tục cảnh báo với Israel rằng Washington có thể ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu tình hình nhân đạo ở Dải Gaza không được cải thiện, theo đài CNN.
Đây không phải là lần đầu tiên đồng minh lớn của Israel đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp vũ khí. Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông sẽ dừng một số chuyến hàng vũ khí nếu Israel phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào TP Rafah (phía nam Dải Gaza). Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đó vẫn tiếp tục chiến dịch, nhưng dòng vũ khí của Mỹ vẫn tiếp tục chảy vào Israel.
Tuy nhiên, cảnh báo mới nhất từ Mỹ nêu rõ Israel có 30 ngày để cải thiện tình hình nhân đạo trên thực địa, nếu không sẽ có nguy cơ vi phạm luật pháp Mỹ về viện trợ quân sự nước ngoài. Diễn biến được xem là một bước gia tăng áp lực đáng kể, cho thấy sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Israel đang trên bờ vực.
Trong khi các nước khác đã cắt giảm mạnh viện trợ quân sự cho Israel trong năm qua, Mỹ vẫn chưa làm như vậy.
Dưới đây danh sách những quốc gia cung cấp vũ khí cho Israel.
Mỹ
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel. Theo báo cáo về chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2023, 69% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel đến từ Mỹ. Đức đứng thứ hai, cung cấp 30%, tiếp theo là Ý với 0,9%, còn lại là Anh, Pháp và Tây Ban Nha và một số nước khác.
Theo báo cáo, các loại vũ khí nhập khẩu từ Mỹ “đã đóng vai trò quan trọng trong hành động quân sự của Israel chống lại các nhóm vũ trang Hamas và Hezbollah”. Cuối năm 2023, hàng nghìn quả bom và tên lửa dẫn đường đã được chuyển từ Mỹ đến Israel. Máy bay chiến đấu F-35 và F-15 cũng đã được Washington chuyển giao cho Tel Aviv vào tháng 1 năm nay.
CNN cho rằng có nhiều lần Israel sử dụng đạn dược do Mỹ sản xuất trong chiến đấu, bao gồm cả trong các cuộc tấn công khiến dân thường thiệt mạng.
Gần đây, CNN đưa tin rằng nhiều khả năng những quả bom nặng hơn 900 kg do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Israel nhằm vào lãnh đạo Hezbollah - ông Hassan Nasrallah.
Mỹ cũng hỗ trợ tài chính cho Israel, cung cấp hơn 130 tỉ USD viện trợ song phương kể từ năm 1948, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Năm 2019, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ đảm bảo rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Israel 3,3 tỉ USD/năm theo chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài và 500 triệu USD cho phòng thủ tên lửa.
Đức
Nếu như trong năm 2023, Đức đóng góp 30% vũ khí nhập khẩu vào Israel thì nguồn cung này đã giảm đáng kể trong suốt năm 2024.
Hồi tháng 3, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) bác bỏ vụ kiện của Nicaragua về việc yêu cầu Đức ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Israel. Một trong những lập luận chính của ICJ là viện trợ quân sự của Đức cho Israel đã giảm từ khoảng 200 triệu euro vào tháng 10-2023 xuống còn 1 triệu euro vào thời điểm ra phán quyết.
Hôm 10-10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng nước này vẫn chưa ngừng cung cấp vũ khí cho Israel, lưu ý rằng Đức “đã cung cấp vũ khí và chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí”. Ông Scholz lưu ý rằng vũ khí sẽ được chuyển giao cho Israel “trong tương lai gần”.
An ninh của Israel từ lâu đã là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đức sau cuộc thảm sát của Đức Quốc xã với người Do Thái trong Thế chiến II.
Ý
Theo SIPRI, Ý đã cung cấp trực thăng và súng cho Israel. Ý cũng là đối tác của chương trình máy bay chiến đấu F-35, hỗ trợ sản xuất các bộ phận F-35 để chuyển giao cho Israel.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cuối tháng 1 nói rằng Ý đã ngừng cung cấp vũ khí cho Israel kể từ ngày 7-10-2023. SIPRI cho biết bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết trước đó vẫn được tuân thủ.
Theo Pagella Politica, trang web chuyên theo dõi các tuyên bố chính trị ở Ý, các công ty Ý đã bán vũ khí trị giá gần 129 triệu USD cho Israel trong giai đoạn 2012-2022.
Anh
Chính phủ Anh cho biết “lượng hàng hóa quân sự xuất khẩu sang Israel của nước này còn thấp”. London nói rằng đã cấp giấy phép xuất khẩu trị giá 23,42 triệu USD vào năm 2023. Tuy nhiên, Anh đã đình chỉ một số giấy phép xuất khẩu thiết bị quân sự cho Israel trong năm qua.
Ngoại trưởng Anh David Lammy đã đình chỉ khoảng 30/350 giấy phép bán vũ khí cho Israel sau khi đảng Lao động lên nắm quyền ở Anh vào tháng 7. Đảng Lao động đánh giá rằng có nguy cơ rõ ràng cho thấy các loại vũ khí Anh có thể được sử dụng “để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế”.
Việc đình chỉ đã tác động đến hoạt động cung cấp một số bộ phận cho máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-35. Tuy nhiên, chính phủ Anh không đình chỉ việc cung cấp vật liệu không liên quan xung đột Israel-Hamas.
Tây Ban Nha
Vào tháng 2, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã ra thông cáo rằng chính phủ Tây Ban Nha không bán bất kỳ loại vũ khí nào cho Israel kể từ ngày 7-10-2023.
Vào ngày 11-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez lên án những gì ông mô tả là cuộc tấn công “không thể chấp nhận được” của Israel vào Lebanon và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng xuất khẩu vũ khí cho Israel.
“Chúng tôi nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chính phủ Israel phải chấm dứt các hành động thù địch đang vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách đổ bộ vào một quốc gia thứ ba, trong trường hợp này là Lebanon” - ông Sanchez nói.
Pháp
Dù Pháp vẫn luôn cung cấp vũ khí cho Israel, nhưng vài tuần gần đây, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi chấm dứt xuất khẩu vũ khí cho Israel nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Lebanon và Gaza.
Ngày 5-10, ông Macron đã kêu gọi đình chỉ hoàn toàn việc bán vũ khí “được sử dụng trong cuộc chiến ở Gaza” và nhấn mạnh rằng Pháp không tham gia vào việc cung cấp những vũ khí này.
SIPRI không ghi nhận bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí lớn nào của Pháp sang Israel từ giai đoạn 2019-2023, nhưng lưu ý rằng Pháp đã cung cấp các thành phần cho vũ khí.