Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe - công ty cung ứng giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và nguồn nhân lực, chia sẻ về câu chuyện thu hút và giữ nhân tài, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường làm việc… tại cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN).
Bà Thanh Nguyễn nói: “Thực tế đã chứng minh không hẳn cứ lương cao hay chức vụ tốt là nhân viên sẽ nỗ lực trung thành với DN”.
Nhân viên, lãnh đạo nghỉ việc tăng mạnh
. Phóng viên: Công ty của bà thường đưa ra những báo cáo xu hướng nhân sự mới nhất, thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN. Vậy xu hướng nhân sự mới nhất hiện tại là gì, thưa bà?
+ CEO Thanh Nguyễn: Trong báo cáo xu hướng nhân sự mới nhất năm 2019 vừa công bố, chúng tôi thấy nổi lên nhóm người nhảy việc cấp bậc nhân viên, nhóm lương dưới 10 triệu đồng có tỉ lệ cao nhất 29%. Còn cấp bậc cao hơn như trưởng nhóm, quản lý, giám đốc…, lương càng cao thì dự định nghỉ việc càng nhiều, nhất là bốn phòng ban quan trọng gồm tiếp thị, tiếp thị bán hàng, IT và tài chính. Điều này chứng minh không hẳn lương cao hay chức tốt là nhân viên sẽ nỗ lực trung thành với công ty.
Xu hướng thứ hai, tỉ lệ nghỉ việc ở nhóm trẻ (thế hệ 9X) cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Đáng nói là ngay cả hài lòng về môi trường làm việc thì vẫn có hơn 17% dự tính nghỉ trong vòng một năm tới.
Đáng chú ý, nhân viên thâm niên dưới hai năm có rủi ro nghỉ việc cao nhất, đặc biệt ở cấp quản lý và giám đốc cao hơn hẳn các mức thâm niên khác. Dựa trên mức lương, nhóm nhân viên có lương trên 80 triệu đồng/tháng thì trung bình cứ hai người sẽ có một người manh nha nhảy việc.
Điều đó chứng minh con người là câu chuyện dài hơi, đòi hỏi các DN phải có tầm nhìn dài hạn và có sự đầu tư đúng đắn. Đôi khi chấp nhận những mất mát ngắn hạn để có được sự phát triển bền vững.
. Tỉ lệ nghỉ việc tại các DN gia tăng liên tục. Vì sao tình trạng này lại gia tăng một cách đáng báo động như vậy và lời khuyên của bà là gì?
+ Sau nhiều nghiên cứu, tư vấn với các chuyên gia và chuẩn hóa trên diện rộng, có thể xác định được năm yếu tố tác động tích cực đến động lực tự thân, qua đó chuyển hóa mạnh mẽ động lực của nguồn nhân lực tại các DN. Đó là sức khỏe thể chất và ý chí tinh thần tốt giúp nhân viên có năng lượng để nỗ lực và tích cực hơn.
Thứ hai là sự tự chủ kích thích nhân viên tự thách thức bản thân, nhờ đó phát triển tính sáng tạo và sự tự nguyện.
Thứ ba, khi được trang bị năng lực tương ứng với vị trí mình đảm nhận, nhân viên tăng tự tin và khả năng giải quyết vấn đề, nhờ vậy làm việc với năng suất tối đa và có khả năng đạt thành tích tốt nhất.
Thứ tư, sự kết nối và mối quan hệ tích cực trong tổ chức là yếu tố cực kỳ quan trọng để nhân viên gắn kết, hỗ trợ nhau và gắn bó lâu dài.
Thứ năm, sự tự hào và cảm giác hết mình vì một mục đích ý nghĩa cho nhân viên niềm tin đi tới bất chấp khó khăn.
Bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe: “Điểm sáng về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang trên chiều hướng gia tăng”. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Cách thức giữ chân nhân tài hiệu quả
. Nhiều năm qua tôi quan sát và thấy bà thường ví quan hệ giữa nhân viên với công ty như mối quan hệ hôn nhân?
+ Đúng là quan hệ giữa nhân viên với công ty được ví như mối quan hệ hôn nhân. Và để hôn nhân bền vững, chúng ta phải luôn luôn có ý thức giữ gìn, phát triển và làm nóng cuộc hôn nhân đó.
Đứng ở góc độ DN, những nhân tài luôn được đơn vị khác săn đón, mời chào. Do vậy, chúng ta nên nắm sát xu hướng thị trường, trong xu hướng đó cần biết nhân tài cần gì, muốn gì để đáp ứng nhu cầu của họ. Đồng thời luôn gia tăng sức hấp dẫn của chính mình để nhân viên luôn nhận thấy công ty của mình là đối tượng hấp dẫn nhất so với các công ty khác.
Một mối quan hệ luôn có qua có lại. Một lãnh đạo công ty giỏi là luôn hướng nhân viên tới những thách thức phía trước, tới những ý nghĩa khát khao lớn hơn mà họ có thể tạo ra cho tổ chức của mình. Đó là cách thức giữ chân nhân tài hiệu quả.
. Lãnh đạo các công ty thường than phiền về tình trạng mất nhân tài, đặc biệt nhân tài cấp cao. Bà có “bài thuốc” gì để điều trị hiệu quả tình trạng này?
+ Kết quả khảo sát gần nhất cho thấy nhân viên thâm niên dưới hai năm có nguy cơ nghỉ việc cao nhất, đặc biệt là ở cấp quản lý và giám đốc. Tình trạng nhân viên nhảy việc sẽ gây những tổn thất lớn cho doanh nghiệp, theo đó để tuyển dụng, ít nhất phải mất 15%-20% lương năm của vị trí đó để tìm được người thay thế.
Vài năm trở lại đây, câu chuyện con người trở thành chủ đề nóng trên bàn tọa đàm của ban lãnh đạo các DN
Vinh danh đóng góp cộng đồng nhân sự Bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, là người VN đầu tiên vinh dự được trao thưởng ở hạng mục “Đóng góp cho cộng đồng nhân sự” do HRD Asia Congress tổ chức. Đây là giải thưởng uy tín quốc tế do HRD Congress tổ chức hằng năm nhằm vinh danh những cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp cho sự phát triển của con người và cộng đồng nhân sự. Giải thưởng đặc biệt này cũng dành cho các cá nhân khởi tạo những khái niệm, sáng kiến mới và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, mang lại những ảnh hưởng tích cực được công nhận bởi các chuyên gia và cộng đồng nhân sự trong nước và thế giới. |
Nên lưu ý, có năm yếu tố như sức khỏe tinh thần, tự chủ, năng lực, kết nối và ý nghĩa cũng xem như liều thuốc giữ chân đội ngũ. Khi đã nhận diện được các nhóm nguyên nhân mất nhân tài, cần có phương án giải quyết hiệu quả từ giai đoạn còn gắn kết được, đồng thời cảnh giác các dấu hiệu rạn nứt. Thời điểm này không nên tăng lương hoặc thăng chức vì nó chỉ có tác dụng tạm thời. Cốt lõi vấn đề là phải tăng sự gắn kết, tạo sự trung thành và sự kết hợp của chiến lược “kéo và đẩy”.
Ngoài ra, để xây dựng hệ sinh thái nhân tài bền vững, DN cần khơi gợi động lực tự thân. Ngược lại, DN vì thiếu nhân tài mà vẫn liên tục sử dụng các giá trị như thưởng, chức vụ, văn phòng đẹp, danh tiếng… để cạnh tranh thì vòng luẩn quẩn thất thoát nhân tài sẽ mãi không dừng lại.
. Bà đánh giá gì về những hoạt động của đội ngũ nhân sự và chất lượng nhân sự của các DN hiện nay?
+ Vài năm trở lại đây, câu chuyện con người trở thành chủ đề nóng trên bàn tọa đàm của ban lãnh đạo các DN. Nhìn chung, tôi thấy điểm sáng về chất lượng nguồn nhân lực của VN đang trên chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên, nhiều DN đang tập trung rất nhiều vào việc thu hút nhân sự bằng những yếu tố như lương, thưởng, chức vụ, danh tiếng… Xu hướng này một mặt có thể giải quyết được nhu cầu nhân lực ngắn hạn của các DN đang có nhu cầu phát triển nóng nhưng sẽ không tốt về mặt dài hạn, điều này sẽ tạo ra vòng xoáy ảnh hưởng cả thị trường. Tôi luôn luôn lưu ý các DN nên đi tìm nét hấp dẫn bên trong môi trường làm việc có thể kích thích động lực tự thân của người đi làm.
. Xin cám ơn bà.
Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam Mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage đã công bố tốp 100 nơi làm việc tốt nhất VN năm 2018. Tiêu chí đưa ra để chọn nơi làm việc tốt nhất không chỉ có yếu tố lương thưởng mà còn đánh giá qua nhiều quyền lợi khác như môi trường làm việc, lương, thưởng và chế độ ưu đãi, cơ hội nghề nghiệp, danh tiếng của công ty…
Theo đó, Vinamilk năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu danh sách bình chọn nơi làm việc tốt nhất VN. Tiếp đến là Vietcombank, Nestlé VN, Samsung Vina Electronics, Tiki... Ở hạng mục Nơi làm việc tốt nhất theo ngành nghề, khá nhiều công ty hai năm liền giữ vững danh hiệu như Cargill VN (nông ngư nghiệp), KPMG VN (dịch vụ tài chính), Vingroup... Cùng với tốp 100 nơi làm việc tốt nhất, năm nay nghiên cứu trên còn đưa ra tốp 50 DN Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Chứng khoán Bảo Việt, Công ty cổ phần Sài Gòn Foods, Tập đoàn Hưng Thịnh... Khảo sát năm nay được đo lường trên 674 DN với sự tham gia của 75.481 người đi làm có kinh nghiệm. |